Người dân sống ở xóm Nhà Ngòi chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản trên đầm Cù Mông. Anh Trần Văn Tính thường thả gập bắt cua đá trên đầm, cho hay: Tôi đánh bắt theo cách truyền thống. Cái gập làm khung bằng sắt, xung quanh viền lưới có hình chữ nhật dài bằng hai gang tay người lớn, gồm hai mảnh. Khi đặt gập, tôi mở miệng lồng ra, phía trên làm cái chốt gài, phía dưới giữa lồng găm miếng mồi. Cua, cá ăn mồi thì kéo chốt phía trên bung ra, lập tức hai miệng lồng gập lại như cái bẫy. Mùa này, một đêm thả gập thăm hai lần vào nửa đêm và sáng sớm, tôi bắt được từ 2-3kg cua đá bán với giá 80.000 đồng/kg, bình quân thu 200.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể nếu chình biển, cá tôm khác lọt vào gập thì thu nhập cao hơn.
Anh Tính kể quê anh vốn ở vùng muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình). Trước đây, hồi còn ở với cha mẹ, gia đình anh có 4 đám ruộng muối, trong đó 2 đám ăn, 2 đám chịu (2 đám chứa nước, 2 đám kết tinh muối). Qua vụ muối mới thì ngược lại đám này kết tinh, đám kia chứa nước, cứ thế ruộng muối trước xóm nhà “sang qua sớt lại” đều làm muối. Sau khi lấy vợ, anh vào xóm Nhà Ngòi lập nghiệp, đi thả gập là việc phụ, còn nghề chính là nuôi ốc hương. Qua một thời gian làm ăn tích lũy, mới đây, anh xây nhà mới khang trang. Sáng sớm, bà Bốn Lợt - mẹ anh Tính, từ Tuyết Diêm vào xóm Nhà Ngòi thăm con, vui mừng nói: “Nghe con cất nhà mới nên tôi vô “dòm” thử ra sao? Thấy nó làm ăn phát đạt, tôi mừng lắm!”.
Dân xóm Nhà Ngòi nuôi trồng thủy sản khá đa dạng, người nuôi ốc hương, người nuôi cá mú, tôm hùm… đến từ các nơi gần có xa có. Người thì quê ở xã An Thạch (huyện Tuy An), xã An Phú (TP Tuy Hòa), có người ở tận Khánh Hòa ra đây lập nghiệp. Chị Lê Thị Hoàng Thủy, đi chợ mua cá giã (cá liệt, cá hố, cá cơm) về làm thức ăn cho ốc hương, chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê ở xã An Dân (huyện Tuy An) ra đây nuôi ốc gần 5 năm. Trước đây, chúng tôi hay dùng dao thớt bằm cá cho ốc hương ăn nhưng bằm như vậy cá nát bấy. Khi bỏ cá nát vào đìa, ốc hương chưa kịp ăn mồi đã bị lấp dưới bùn. Rút kinh nghiệm, chúng tôi chịu khó dùng kéo cắt nhỏ cá thành nhiều miếng cho ốc dễ ăn”.
Ngồi tranh thủ sửa lại cái vợt cũ, ông Bùi Thanh chỉ bảng nội quy cạnh ngã ba, nói: “Tôi ở tận huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ra xóm Nhà Ngòi nuôi cá mú cùng mấy người ở xã Xuân Bình, Xuân Lộc (TX Sông Cầu) bên hông đầm Cù Mông. Là người từ các nơi khác đến sinh sống tại đây, chúng tôi ai cũng tuân theo bảng nội quy này. Nội quy quy định ngoài nuôi tôm, không được đánh bắt giã cào, xung điện theo kiểu tận diệt môi trường, không vứt rác thải xuống đầm và tất cả bà con đều chấp hành “rẹt rẹt” vì lợi ích chung”.
Điều đáng ghi nhận là người dân Nhà Ngòi tuy từ các nơi khác đến quần cư làm ăn, dựng trại, cất chòi nuôi trồng thủy hải sản nhưng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tiễn khách, ông Bùi Thanh nhắc tôi: Khi nào có dịp nhớ ra chỗ bọn tôi chơi nữa nghe. Xóm tôi tuy chưa giàu nhưng bà con sống gắn bó tình cảm, tối lửa tắt đèn luôn có nhau, vui lắm anh à…
Theo nhiều người dân xóm Nhà Ngòi, so với các nơi khác ven đầm Cù Mông như Phú Dương, Hòa Hội, đây là nơi người dân tập trung nuôi ốc hương, cá mú trong ao đìa nhiều nhất. Vì mặt nước nơi đây yên tĩnh, lại có dòng chảy dưới đáy nên ngoài nuôi ao đìa, vùng này còn thích hợp nuôi tôm hùm lồng bè.