Cơ hội lớn
Theo bà Lê Hằng, PGĐ VASEP PRO, năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang các nước CPTPP đạt giá trị 2,209 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.
Trong đó, có nhiều nước đạt giá trị lớn như Nhật Bản (1,378 tỷ USD), Canada (239,789 triệu USD), Úc (197,038 triệu USD), Mexico (115,488 triệu USD), Malaysia (114,222 triệu USD), Singapore (113,15 triệu USD)… Tôm là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất sang các nước CPTPP với 970,485 triệu USD; tiếp đó là hải sản với 910,324 triệu USD; cá tra 328,348 triệu USD.
Cũng trong năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,472 tỷ USD. Tôm cũng là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất sang EU với 838,295 triệu USD; tiếp đó là hải sản 389,553 triệu USD; cá tra 243,958 triệu USD.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Như vậy, có thể thấy các nước CPTPP và khối EU là 2 khu vực thị trường lớn của thủy sản Việt Nam. Do đó, các hiệp định CPTPP và EVFTA chắc chắn sẽ có nhiều tác động tích cực tới xuất khẩu chung của thủy sản nước ta.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, GĐ Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), trong thời gian tới, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam sang các nước CPTPP và EU chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn so với các nguồn cung cấp khác nhờ được cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu.
Cụ thể: Canada xóa bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu với thủy sản Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực; Nhật Bản xóa bỏ thuế quan với 91%, trong đó có surimi, cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa; Úc về 0% ngay với tất cả các sản phẩm thủy sản; EU giảm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 840 dòng thuế…
Bên cạnh đó, ngành thủy sản Việt Nam còn có cơ hội lớn để tiếp cận các góp mua sắm công (khối khách hàng nhà nước) ở các nước EU và CPTPP; nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thủy sản từ các nước EU và CPTPP với giá hợp lý hơn; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn, giá hợp lý hơn; thủ tục chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan sẽ thuận lợi hơn; thủ tục khiếu nại, xử lý vướng mắc TBT (các rào sản kỹ thuật đối với thương mại), SPS (các biện pháp vệ sinh dịch tễ) nhanh hơn, minh bạch hơn; tiếp cận với các dịch vụ sản xuất tốt hơn về tài chính, bảo hiểm, logistics…; tiếp cận các kênh phân phối thuận lợi hơn…
Bà Lê Hằng cho biết thêm, CPTPP và EVFTA sẽ giúp cho ngành thủy sản Việt Nam co cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu (gia tăng nhập khẩu từ các nước CPTPP và EU); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia…
Thách thức cũng lớn
Tuy nhiên, CPTPP và EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam, nhất là về truy xuất nguồn gốc. Bởi để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ của sản phẩm, mà điều này có thể không dễ thực hiện được (nhất là đối với thủy sản nhập khẩu về chế biến xuất khẩu).
Chính vì vậy, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong thời gian tới, VASEP sẽ đẩy mạnh truyền thông trong và ngoài nước về chuỗi giá trị tôm Việt Nam đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, VASEP cũng sẽ đẩy mạnh trao đổi với các doanh nghiệp làm sao tận dụng được các hiệp định nhằm đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ những nước CPTPP, EU, đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng.
Bên cạnh đó, cam kết trong EVFTA, CPTPP làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản.
Chẳng hạn, cam kết về môi trường trong CPTPP: Ngăn ngừa đánh bắt quá mức, quá năng lực; giảm đánh bắt ngẫu nhiên các loài không phải mục tiêu và chưa trưởng thành; thúc đẩy sự phục hồi các loài bị khai thác quá mức; không trợ cấp cho hoạt động đánh bắt có tác động tiêu cực tới các đàn cá đã trong tình trạng đánh bắt quá mức; không trợ cấp cho tất cả các tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Cam kết trong EVFTA: Cam kết tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản nêu trong các Công ước được liệt kê; cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề IUU; cam kết hợp tác, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hản sản.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản:
Các cơ hội mà CPTPP và EVFTA mang lại có thể thấy rất rõ ràng, nhưng thách thức cũng rất lớn. Những cam kết liên quan đến thủy sản trong CPTPP và EVFTA, chúng ta có đáp ứng được hay không?
Trong thời gian tới, ngành thủy sản phải tận dụng tối đa các cơ hội mà CPTPP và EVFTA mang lại, trong đó chú trọng vào tổ chức sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Bởi nếu chúng ta không chuẩn bị được những chuỗi sản xuất tốt, thì các cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại, vẫn chỉ là cơ hội trên giấy mà thôi.