Với tiềm năng phát triển các loài thủy sản địa phương trên mô hình nuôi mới và áp dụng các tiêu chí của thực hành nuôi thủy sản tốt, các hộ nuôi bắt đầu chuyển sang hướng sản xuất mới, trong đó có trang trại thủy sản. Năm 2015 Trung tâm Giống Thủy sản An Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện “Kế hoạch xây dựng mô hình nuôi cá lóc, lươn đồng trên bể lót bạt, tôm càng xanh trên ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” từ nguồn kinh phí của dự án "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh An Giang từ nay đến 2015". Nhằm giúp hộ nuôi tiếp cận với tiêu chuẩn chất lượng, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Hiện nay đã có mối liên kết giữa người nuôi các siêu thị trong khâu bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ được Trung tâm Giống Thủy sản cung cấp cho các bếp ăn tập thể trường học, bệnh viện, nhà hàng, siêu thị Co.opMart. Điều này đã giúp bà con yên tâm chuyển đổi nuôi trồng và áp dụng thực hành nuôi thủy sản tốt (VietGAP). Sản phẩm được bao tiêu về giá và sản lượng cho các loại thủy sản như các lóc, cá điêu hồng, cá rô phi… Vừa qua, Trung tâm Giống Thủy sản tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ lô hàng cá lóc nuôi trong bể lót bạt của ông Mai Tấn Phước (khóm Thới Thuận, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Trong thời gian tới cần đẩy mạnh liên kết giữa người nuôi và các siêu thị trong tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng và có giá trị cao. Các địa phương cần hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn cho bà con triển khai áp dụng một cách hiệu quả nhất.