Vài năm trước, gia đình anh Nguyễn Công Đức ở ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây nuôi tôm liên tiếp thất bại do dịch bệnh. Sau đó, anh được tiếp cận mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ nano thông qua các điểm trình diễn của Sở KH-CN và Trung tâm Khuyến nông thực hiện trên địa bàn xã.
Từ thành công của mô hình, anh đã mạnh dạn áp dụng quy trình mới này để nuôi tôm thẻ chân trắng. Với diện tích 2.000m2 mật độ thả 80 con/m2, anh mua 2 loại giống khác nhau về thả; qua hơn 2 tháng nuôi, thu hoạch 1,8 tấn, giá bán trung bình loại 80 con/kg là 95.000 đồng/kg, thu về trên 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 80 triệu đồng.
Theo anh Đức, nuôi tôm theo công nghệ nano không phức tạp, cải tạo vuông nuôi ban đầu như các vụ nuôi khác, lấy nước vào trên 1 tấc; dùng than hoạt tính xử lý ban đầu ngâm khoảng 4 - 5 ngày, liều lượng dùng 30kg cho 1.000m3. Trước khi thả tôm giống, anh dùng Anti VBF (nano bạc kháng khuẩn) pha đều tạt khắp ao, bình quân 2 lít/1.000m3.
Ngoài ra, anh còn dùng Tio2 + oxy già, đánh định kỳ 5 ngày/lần. Tôm được 7 ngày nuôi thì dùng nano bạc trộn vào thức ăn cho tôm, cứ 2 ngày một lần, mỗi lần 150 ppm/kg thức ăn; từ ngày thứ 30 trở lên thì trộn 100 ppm/kg thức ăn…; có thể bổ sung men vi sinh và Vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm.
Mô hình nuôi tôm theo công nghệ nano bạc thu hút sự quan tâm, học hỏi của nông dân .
Những ngày này, hàng ngàn hộ nông dân trong huyện Cần Giuộc đang đồng loạt xuống hơn 400ha tôm vụ 2. Tại xã Phước Vĩnh Tây, xã có diện tích nuôi tôm nhiều nhất huyện, nhiều nông dân đã hào hứng, mạnh dạn đầu tư, chuyển sang phương thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ nano bạc.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Tây, cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ nano bạc được triển khai thí điểm tại địa phương đã thu hút được sự quan tâm, học hỏi sôi nổi từ người dân. Từ vài hộ thí điểm với diện tích chỉ vài ngàn m2, đến nay diện tích nuôi tôm công nghệ nano bạc có quy mô hàng chục ha. Đây là xu hướng nuôi tôm mới và sẽ được nông dân trong xã tích cực nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình tương đối lớn, nông dân vẫn còn khá dè dặt. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nuôi tôm.
Ông Nguyễn Công Bình, kỹ sư thủy sản, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Cần Giuộc cho biết, công nghệ nuôi tôm bằng ứng dụng nano bạc là giải pháp hữu hiệu trong xử lý môi trường nước nuôi tôm đang bị ô nhiễm tại các vùng nước nguy hiểm. Khi sử dụng nano bạc thì tế bào của hơn 650 vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt chỉ trong 5 phút dưới tác động của hạt nano bạc.
Theo ông Bình, trung bình một vụ tôm chỉ cần xử lý công nghệ nano 2 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 tháng. Công nghệ nano bạc có tác dụng kéo dài, xuyên suốt quá trình nuôi kéo dài 3 tháng, chi phí từ 20 - 30 triệu đồng/ao nuôi nhưng hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. Trung bình sau 3 tháng thả nuôi, một ao tôm 5.000m2 có thể cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến này.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ nano bạc sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.