Nhiều công ty chế biến thủy sản đang rơi vào cảnh khó khăn khiến đời sống của công nhân cũng lao đao (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Sao Mai
Đời sống bấp bênh
Rảo bước qua một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tại Long Xuyên (An Giang), khá nhiều công nhân thiếu việc làm ngồi la cà ở các quán nước giải khát bên đường. Khi được hỏi, anh Nguyễn Văn Ngoan, nhà ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn tâm sự: “Gia đình tôi có 4 người, tôi là trụ cột chính trong nhà. Nhưng thời gian gần đây, có lúc tôi chỉ làm được 2 - 3 ngày/tuần vì thiếu cá, tiền lương cũng rất thấp nên đời sống hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn”.
Theo thống kê của Sở Lao đông Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang, trong 3 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh có khoảng 900 công nhân chế biến thủy sản nghỉ việc và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Tình cảnh không mấy khả quan hơn cũng đang diễn ra tại Cà Mau, nơi một thời được xem là một trong những tỉnh điển hình của các nhà máy chế biến thủy sản hoạt động hiệu quả.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP), hiện toàn tỉnh có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, nhưng chỉ khoảng 50% nhà máy hoạt động hiệu quả, có đơn hàng xuất khẩu thường xuyên. Số còn lại gặp không ít khó khăn, khoảng 30% có nguy cơ phá sản. Hơn 40.000 công nhân đang khốn khó vì công việc bị ngưng trệ, đời sống bấp bênh.
Nhiều công nhân làm việc tại các công ty chế biến thủy sản ở Sóc Trăng cho hay, thời gian trước tuy làm việc gần như liên tục như tăng ca, làm thêm giờ... nhưng thu nhập ổn định, đủ trang trải cho gia đình, việc ăn học của con cái. Còn bây giờ, tuần chỉ làm việc có 2 – 3 ngày nên cuộc sống rất thiếu thốn, khó khăn.
Ông Châu Thành Tôn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong các tháng đầu năm 2012, Liên đoàn chúng tôi phải liên tục cử cán bộ đến các công ty thủy sản để tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân về lao động, tiền lương”.
Do đâu?
Quí 1-2012 rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đã gặp không ít khó khăn, nhiều nhà máy chế biến thủy sản giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động bởi sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả, một số doanh nghiệp thủy sản lâm cảnh nợ chồng chất.
Theo lý giải của các doanh nghiệp nguyên nhân chính của tình trạng này là do các công ty thủy sản trong thời gian qua phát triển tự phát quá nhanh, nên không đủ đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; các ngân hàng siết chặt tín dụng nên nhiều doanh nghiệp không có vốn để làm ăn...
Những năm 2007 – 2010, các tỉnh thành ở ĐBSCL rộn ràng xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu chế biến tôm và cá tra. Tính đến nay, toàn vùng đã có hơn 190 nhà máy chế biến thủy sản, với công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn sản phẩm/năm. So với năm 2003, con số này đã tăng gấp 2,3 lần, công suất thiết kế cũng tăng gấp 2,7 lần.
Sự bùng nổ của việc xây dựng nhà máy, trong khi thiếu đầu tư quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững đã đẩy hàng loạt nhà máy thiếu nguyên liệu, bình quân các nhà máy thủy sản chỉ chạy khoảng 30 - 50% công suất, thậm chí nhiều nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL hiện nay chỉ chạy 10 – 30% công suất, có số còn phải tạm ngừng hoạt động.
Với tốc độ phát triển quá nhanh, nhưng việc quản lý thủy sản, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cung ứng vốn và các dịch vụ khác đi kèm… hầu như lại chưa đáp ứng kịp tốc độ bùng nổ đó. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp đã và đang vỡ nợ, nhiều nhà máy đóng cửa, hàng loạt công nhân thủy sản đứng trước cảnh mất việc làm, khốn khó, đời sống bấp bênh.
Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc ngành thủy sản cần phải mạnh tay để tái cấu trúc ngành, mạnh dạn xóa sổ những doanh nghiệp làm ăn kiểu cơ hội, phong trào. Ngân hàng nên xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tái đầu tư cho những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tốt, đầu tư chiều sâu, doanh nghiệp có thương hiệu để họ duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và đời sống ổn định cho công nhân chế biến thủy sản và giữ vững thị trường xuất khẩu.