Bức xúc về chất lượng tôm giống là tâm trạng chung của rất nhiều người nuôi tôm bởi hầu như vụ tôm nào, ở bất cứ địa phương nào, người nuôi tôm cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của thị trường tôm giống trôi nổi.
Cùng với tôm giống không chất lượng là hàng loạt hệ lụy như nuôi tôm thất bại, nợ nần chồng chất… Vậy kẽ hở nào về mặt quản lý khiến cho tôm giống kém chất lượng vẫn tuồn về các vùng nuôi tôm?
“ May rủi ” là từ mà người nuôi tôm thường dùng để chỉ chất lượng tôm giống. Gọi là may rủi bởi những người nuôi tôm cho dù hàng chục năm trong nghề cũng khó mà xác định được chất lượng tôm giống.
Vậy là họ chỉ biết đặt niềm tin vào đại lý cung tôm giống, còn những đại lý cung lấy tôm giống từ cơ sở nào, đó có phải tôm giống sạch bệnh hay không người nuôi tôm không có câu trả lời chính xác.
Nuôi một vạn tôm giống số tiền bỏ ra trên dưới 10tr đồng, đó là khoản tiền không nhỏ với nông dân vốn chịu nhiều rủi ro trong những vụ nuôi tôm vừa qua. Một khi tôm giống xảy ra sự cố, chẳng những mất tiền mua tôm giống mà còn những chi phí đầu tư khác cũng trở thành con số 0.
Vùng hạ lưu sông bàn thạch tỉnh Phú Yên có hơn 1000ha là vùng nuôi tôm tập trung nhất của khu vực Nam Trung Bộ. Những người nuôi tôm ở đây thường xuyên hứng chịu những hiện tượng nhẹ thì tôm chết rải rác, nặng thì tôm chết hàng loạt. Nhiều trường hợp người nuôi xác định do chất lượng tôm giống. Nhưng đến khi nhận ra thì chuyện đã rồi.
Cả nước có khoảng 1800 cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền trung. Sự nhập nhằng chất lượng tôm giống hay sự trà trộn chất lượng tôm giống có thương hiệu và tôm giống trôi nổi là điều có thực thậm chí đã đóng ra thị trường.
Tháng 4 vừa qua đoàn thanh tra của Tổng Cục Thủy Sản đã phát hiện 11 cơ sở sản xuất tôm giống không có tên theo địa chỉ ghi trên bao bì. Về phía người nuôi tôm sự nhập nhằng như vậy càng không dễ nhận ra.
Ông Lê Công Thạp, người nuôi tôm tỉnh Phú Yên: “bà con có nghe vậy cũng chỉ biết vậy chứ thật sự người ta có tráo giống hay không thì chỉ có người ta biết chứ bà con cũng không biết”.
Thị trường tôm giống sôi động là lý do khách quan khiến cho việc quản lý tôm giống trở nên khó khăn. Nhưng việc quản lý tôm giống cũng còn nhiều lỗ hỏng, những lỗ hỏng kéo dài nhiều năm qua, cuối cùng người nuôi tôm gánh chịu và những cánh đồng nuôi tôm lại có thêm những ao nuôi bỏ hoang.
Một bên là thực tế đang hiện hữu, một bên là mục tiêu đến năm 2025 ngành tôm Việt Nam phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu. Ngành chức năng, doanh nghiệp, người nuôi tôm phải làm gì để vực dậy ngành tôm?
Trong các giải pháp đưa ra như là: đầu tư hạ tầng, xây dựng chuỗi sản xuất gắn với thị trường… thì yêu cầu khá bức thiết là phải đảm bảo tôm giống đủ về số lượng, đạt về chất lượng. Muốn vậy thì công tác quản lý chất lượng con giống cần được thay đổi.
Ông Kim Văn Tiêu, phó giám đốc trung tâm khuyến nông quốc gia: “Để hạ giá thành con giống rồi tang sức cạnh tranh không lành mạnh thì một số nhà sản xuất cho đẻ nhiều lần làm chất lượng tôm post kém, cộng với việc sử dụng tôm giống không nhập khẩu mà tự gia hóa chất lượng không cao họ sản xuất, đấy là thiệt thòi cho người nuôi tôm hiện nay. Hiện nay thì các cơ quan quản lý đang giao cho chi cục thủy sản địa phương quản lý chất lượng giống, chi cục thú y thì quản lý về dịch bệnh. Trước khi con giống mang đi thì phải được kiểm dịch các loại bệnh, không có bệnh thì mới được mang đi, nhưng tiến tới sẽ quản lý con giống bằng việc đăng ký chất lượng. Hiện nay thì còn một số trường hợp đóng dấu còn hình thức, sau này sẽ kiểm soát đột xuất làm sao cho người sản xuất giống phải tự giác sản xuất được con giống chất lượng tốt.