Làm giàu ở quê nhà
Anh Nguyễn Thanh Hùng, 30 tuổi, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang) là con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em. Hai chị lớn đã có gia đình riêng, còn em trai đang học đại học ở Cần Thơ nên việc quán xuyến gia đình, lo cha mẹ đặt lên vai một mình anh Hùng. Năm 2009, anh Hùng tốt nghiệp cao đẳng ngành nuôi trồng thủy sản của trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ.
Với tấm bằng trong tay, anh Hùng quyết định vay mượn hùn vốn (15% cổ phần) với một số người khác mở trại cá giống ở Ô Môn (TP Cần Thơ). Trong thời gian này anh Hùng vừa làm, vừa học liên thông đại học chuyên ngành thủy sản. Anh Hùng cho biết, muốn làm chủ thì trước hết tôi phải trang bị cho mình kiến thức từ lý thuyết đến thực tiễn vững chắc rồi mới dám ra mở trang trại riêng. Từ kiến thức trong trường, anh Hùng đi đến các trại cá giống trong vùng học tập kinh nghiệm, tích lũy kiến thức thực tiễn.
Đầu năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nuôi trồng thủy sản trong tay, anh Hùng quyết định ra làm ăn riêng mở trang trại ương nuôi cá kiểng tại nhà.
Anh Hùng cho biết, những loại cá khác như: cá trắm, mè vinh, rô đầu vuông thì có nhiều người làm rồi, anh mê cá kiểng từ nhỏ nên sẽ quyết tâm làm giàu từ nó. Anh Hùng muốn tạo thương hiệu cho riêng mình nên tập trung đầu tư vào 2 loại: cá Hạc đỉnh hồng và Tai tượng da beo. Anh Hùng tính, 2 loại cá này nếu ương trong bể được 1,5 tháng thì bán được 3.000 đồng/con, khoảng 5 tháng bán giá từ 18.000 – 20.000 đồng/con, chi phí khoảng 1/4 số tiền đầu tư.
Thức trắng vì cá
Với số vốn gần 30 triệu đồng tích lũy từ việc hùn vốn trước đó và được địa phương cho vay 15 triệu đồng, anh Hùng đầu tư xây 7 bể dùng để ương và nuôi cá kiểng, mỗi bể diện tích 20 m2 với hơn 10 cặp cá bố mẹ. Đến nay, trang trại của anh Hùng đã phát triển lên 20 bể với hơn 100 cặp cá bố mẹ.
Anh Hùng tâm sự: “Nghề này đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì, nắm vững kỹ thuật, nếu sơ sẩy một chút coi như đổ sông đổ biển. Có những đêm trời mưa to, tôi gần như thức trắng để xem diễn biến của cá. Thông thường sau cơn mưa nước bị đục và nhiễm khuẩn nên thường xuyên theo dõi biểu hiện của cá để kịp thời xử lý”.
Cá kiểng ăn ở 3 giai đoạn, thứ nhất khi mới đẻ cá sẽ ăn trứng nước, lớn hơn một chút chuyển sang ăn trùn chỉ và sau đó mới chuyển qua thức ăn. Anh Hùng nói, khó nhất là tìm trứng nước cho cá ăn, nhiều khi có tiền mà cũng không thể mua được vì khu vực này không có thức ăn tự nhiên mà phải đi sang tỉnh khác mua.
Mỗi lần tìm trứng nước khó khăn nên anh Hùng chủ động dự trữ nguồn thức ăn khan hiếm này bằng cách xây riêng bể để cho trứng nước đẻ nhân tạo. Hiện tại, các đại lý ở Cần Thơ, TP HCM đến đặt hàng rồi phân phối cho các điểm bán nhỏ lẻ khác trong vùng.
Nhờ sự nỗ lực của mình, năm 2012 anh Hùng thu được hơn 200 triệu đồng từ cá kiểng, không những lấy lại vốn mà còn có lãi gần 50 triệu đồng. Đến năm 2013, trại của anh Hùng cung cấp cho thị trường hơn 20.000 con cá kiểng với doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng.
Hiện tại, anh Hùng dự định sẽ đầu tư thêm bể, ao để mở rộng các loại cá khác có giá trị kinh tế cao như: trạch lấu, trạch bùn… Ngoài ra, anh Hùng còn hướng dẫn kỹ thuật giúp thanh niên trong huyện có thêm kinh nghiệm, hiểu biết trong việc ương, nuôi cá kiểng để cung cấp cho thị trường.
Anh Phạm Văn Tân, Bí thư Đoàn thị trấn Ngã Sáu cho biết, anh Hùng là thanh niên cầu tiến, dám nghĩ dám làm, là điểm sáng cho thanh niên nông thôn học tập. Tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để mô hình này ngày một phát triển hơn.