Giá cá sụt giảm
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL sụt giảm liên tục, Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ở ĐBSCL lo ngại rằng, với tình trạng người nuôi bị thua lỗ cộng với khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, hiện tượng “treo” ao sẽ tiếp tục tăng nhưng nguy cơ cao hơn là sẽ đẩy ngành sản xuất và chế biến cá tra tái diễn cuộc khủng hoảng nguyên liệu. Tại các vùng nuôi cá tra trọng điểm, hiện giá bán chỉ còn 19.500 - 20.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cảnh báo một thực trạng rằng, cá tra hiện nay trong dân đã lớn, nhiều nơi đã bắt đầu “quá lứa” (trên 1 kg/con). Nhà nước cứu chậm ngày nào thì nguy cơ về sản xuất và tiêu thụ cá tra càng khó bấy nhiêu, khi ấy các doanh nghiệp dù đã được rót tiền cũng sẽ không mua vì không xuất khẩu được do cá không đạt tiêu chuẩn.
“Hiến kế” tháo gỡ
Tại An Giang, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh đã có kiến nghị với các ngân hàng về việc hỗ trợ nguồn vốn để người nuôi tiếp tục sản xuất và các doanh nghiệp có thể thu mua nguồn cá tồn đọng thuận lợi hơn, tránh tình trạng hạ giá và cạnh tranh lẫn nhau. Đồng thời, Hội cũng tiến hành phổ biến kiến thức, kỹ thuật trong nuôi cá tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo quy trình, đặc biệt là đảm bảo nguồn giống chất lượng.
Theo bà Phan Thị Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang, Hội đã tiếp tục khuyến cáo người nuôi nên lựa chọn con giống tại các trại giống uy tín, chất lượng, và liên kết với chuỗi sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng cá tra, thu lợi nhuận nhiều hơn.
Ông Liêu Cẩm Hiền, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long chia sẻ, trước tình hình cá tra bị rớt giá, Hội đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL thảo luận tìm biện pháp tháo gỡ cho ngành cá tra. Và thống nhất đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ thu mua, chế biến cá tra đón đầu thị trường với giá trị dự kiến là 6.900 tỷ đồng, thời hạn 6 tháng và miễn thuế giá trị gia tăng mua thức ăn thủy sản từ nay đến hết năm 2012 nhằm góp phần giảm giá thành sản xuất.
Tại Đồng Tháp, Hội Nghề cá tỉnh đã tiến hành họp bàn với các ngành chức năng tại địa phương để tìm ra biện pháp giúp người nuôi cá vượt qua khó khăn, trước mắt, người nuôi cần đảm bảo chất lượng cá tra ngay từ đầu vào, mua nguồn giống uy tín, không nuôi một cách ồ ạt, gây ra tình trạng nguồn cung cao hơn nguồn cầu, rất dễ bị các doanh nghiệp ép giá, dẫn đến thua lỗ trong sản xuất. Mặt khác, các ngành chức năng địa phương cần có kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ và các ngân hàng tạo điều kiện cho người nuôi vay vốn, tái tạo sản xuất. Tuy nhiên, việc làm này cần được tiến hành nhanh chóng, gấp rút. Bên cạnh đó, Hội cũng cử cán bộ xuống tận cơ sở, kiểm tra giám sát tình hình cụ thể để có những khuyến cáo và chị đạo kịp thời với các hội viên.
>> Về lâu dài, Nhà nước cần tập trung đầu mối xuất khẩu thủy sản, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn nuôi, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng được yêu cầu của từng nhóm thị trường. Từ đó, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm cải thiện giá bán của cá tra Việt Nam. Đây cũng là ý kiến của Hội Nghề cá các tỉnh trong tình hình hiện nay.