Dụ mực vào bóng
Dụng cụ bẫy mực lá là chiếc bóng mực. Bóng mực là cái lồng có hình hộp chữ nhật, làm bằng tre, phủ quanh bóng là một lớp lưới có mắt lưới nhỏ. Để dụ mực vào bóng, ngư dân dùng lá cây đủng đỉnh hoặc sợi ni lông màu đen phủ lên chiếc bóng để tạo nên vùng tối.
Bóng mực là cái lồng có hình hộp chữ nhật, làm bằng tre, phủ quanh bóng là một lớp lưới có mắt lưới nhỏ
Chiếc bóng có gắn chùm trứng mực bên trong, gắn hòn đá dưới đáy. Bóng được thả xuống nơi có gò cạn, rạn san hô cách mặt biển chừng 4-5m. Thấy trứng mực ở trong bóng, con mực đến kỳ đẻ trứng tìm cách chui vào đẻ trứng và bị dính bẫy. Thông thường mỗi ngư dân đặt khoảng 100 chiếc bóng.
Những tia nắng trưa hè chói chang, bức bối, 2 giờ chiều, chúng tôi theo chân đoàn ngư dân ở xóm Bóng, xã Đức Lợi (Mộ Đức) ra biển săn mực lá. Ngư dân Lê Văn Tám hì hục đẩy chiếc thúng chai băng qua bãi cát xuống mép biển.
Gió mùa Tây Nam thổi liên hồi, biển nổi sóng mạnh. Sóng vỗ mạnh khiến chiếc thúng chao đảo. Mặt biển dâng cao hơn mặt thúng, mạn thúng của ông Tám nghiêng xuống sát mặt biển nước màu xanh sẫm.
Ngư dân Lê Văn Tám hì hục đẩy chiếc thúng chai băng qua bãi cát xuống mép biển
Người ướt nhẹp, ông Tám vớ tay chèo thoăn thoát chèo chiếc thúng ra hướng con thuyền gỗ 20 CV đang neo cách bờ 50m. Sau một hồi quay cuồng đánh vật với sóng và gió, vớ dây neo, ông kéo 3 chiếc bóng mực lên thuyền, sau đó trèo lên thuyền.
Thuyền rồ máy thình thịch, tăng tốc hướng ra khơi. Từng đợt từng đợt sóng làm chiếc thuyền chao đảo. Ra cách bờ chừng 2 hải lý, nơi có những chiếc phao nổi bồng bềnh trên mặt nước, chiếc thuyền giảm tốc và từ từ dừng lại, buông neo.
Mỗi người tự đánh dấu phao của mình với kí hiệu riêng. Đến vị trí của từng chiếc phao của mình, ông Tám lấy cây sào có gắn móc ở đầu, nhịp nhàng kéo sợi dây cột chiếc bóng lên khỏi mặt nước.
Mỉm cười khi thấy những con mực lá mắt xanh trong, thân óng ánh dính bẫy, nhưng thoáng chốc ông lại buông tiếng thở dài vì cũng có nhiều chiếc bóng kéo lên trống rỗng, rồi lại thả xuống.
Với những chiếc bóng bị bám bẩn, ông Tám mang về bờ chà rửa sạch, hôm sau lại mang ra thả. Mỗi ngày, ngư dân ra khơi hai lần, 5 giờ sáng và 2 giờ chiều.
Ám ảnh “hung thần” giã cào
Xóm Bóng, cái tên mà chẳng một ai biết có từ khi nào. Họ chỉ biết rằng, từ xa xưa, cha ông họ biết đi biển bằng ghe nhỏ để đánh bắt gần bờ. Họ làm những cái bẫy để bẫy mực. Dần dà, nghề làm bóng mực đã trở thành nghề truyền thống của người dân Đức Lợi.
Xóm Bóng có khoảng 100 hộ làm nghề bẫy mực. Ngày biển còn dồi dào, ngư dân sống bằng nghề này cũng có nguồn thu nhập ổn định, nhiều gia đình đời ông, cha, con, cháu đều gắn bó với nghề này. Những đứa trẻ mới 11, 12 tuổi đã theo ông cha ra biển. Nay chỉ còn khoảng 20 hộ, vì biển thất thu.
“Xưa, ngày bẫy được 5 - 6kg, có bữa trúng mánh cả chục ký, kiếm tiền triệu. Nay giỏi chỉ hơn 1kg, bữa về tay không. Biển đã cạn kiệt. ” - ông Tám thở dài.
Vợ ông Tám nhẩm tính, năm ngoái, đến mùa này ông đã kiếm được gần 70 triệu thì nay mới ngót nghét chục triệu. Đến bây giờ, bà vẫn còn rùng mình, thót tim khi nhắc lại sự việc ông Tám ẩu đả, xông vào đánh nhau với ngư dân trên tàu giã cào vì quá bức xúc và uất ức.
Sau vài giờ đồng hồ đi bẫy mực, thành quả mang về là những con mực lá mắt xanh trong, thân óng ánh dính bẫy
Ngư dân Trương Ngọc Sanh gắn bó với nghề bẫy mực từ năm 11 tuổi. Ngồi buồn nhâm nhi ly trà đá ngày không ra khơi, ông Sanh suy tư nhìn ra biển. Đi cả ngày được 1-2 con, nhiều bữa về tay không, riết nản lòng ông không muốn ra khơi.
“Nghề mình là nghề “dưỡng” còn tàu giã cào tàn phá biển. Tàu giã cào kéo nhau vào tận trong bờ, quét sạch. Bữa ít mất vài chiếc nhiều thì vài chục chiếc bóng. Mong sao nhà nước bắt buộc gắn hết định vị trên tàu giã cào, xử lý nghiêm tàu vi phạm cho dân nhờ” - ông Sanh ngán ngẩm nói.
Rời xóm Bóng, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở của những ngư dân làm nghề đặt bẫy mực lá. Họ đang gánh chịu thiệt hại, bất lực với đội ngũ tàu giã cào bay lộng hành càn quét lòng biển, dù đã chọn cho mình phương thức đánh bắt “nuôi dưỡng” biển mẹ.