Xã Hoằng Phụ là một trong những địa phương có diện tích nuôi
trồng thủy sản lớn của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Để tạo thuận lợi cho
người dân trong quá trình đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, ngoài các biện
pháp như quy hoạch lại các vùng nuôi, nâng cao các biện pháp kỹ thuật canh tác,
ban hành lịch thời vụ hợp lý cho từng đối tượng, tăng cường công tác phòng chống
dịch bệnh... thì đa dạng hóa đối tượng nuôi là điều cần thiết để phát triển nuôi
trồng thủy sản một cách bền vững.
Gia đình ông Trương Văn Hiệp, thôn Sao Vàng, có 6 ha nuôi trồng
thủy sản. Những năm trước đây, gia đình chỉ nuôi tôm sú, nhưng có năm dịch bệnh,
ảnh hưởng thời tiết nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước khó khăn đó, gia đình
ông đã học tập nhiều hộ dân trên địa bàn xã chuyển đổi hình thức nuôi xen ghép
nhiều đối tượng là tôm, cua và rau câu. Ông Hiệp cho biết: Sau thời gian nuôi
thử nghiệm, nhận thấy các đối tượng ở các tầng nước khác nhau nên hỗ trợ tốt
cho nhau làm sạch môi trường nước. Bên cạnh đó, dịch bệnh được kiểm soát, không
lây chéo. Hình thức nuôi xen ghép trong cùng một ao đã mang lại “lợi ích kép”
vì hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết:
Không chỉ riêng gia đình ông Trương Văn Hiệp, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản
trên địa bàn xã đã mở rộng hình thức nuôi xen ghép các đối tượng con nuôi, như:
Cua, cá rô phi với tôm sú và rau câu,... để tăng thu nhập, giảm bớt rủi ro. So
với nuôi độc canh trên cùng diện tích, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng
khác cho giá trị kinh tế cao hơn khoảng 30%.
Thời gian qua, huyện Tĩnh Gia đã và đang tập trung khai thác
thế mạnh nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thực tế vài năm trở lại đây cho thấy
tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp, nhất là các
loại tôm. Trên cơ sở định hướng của huyện, các địa phương đã thực hiện đa dạng
hóa các đối tượng con nuôi thông qua hình thức thả nuôi xen ghép nhiều đối tượng
nuôi trong ao, đầm, như: Tôm sú, cua, cá rô phi... Nhờ đó, nhiều mô hình nuôi
xen ghép, đa dạng hóa con nuôi đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện
và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Mô hình nuôi xen ghép
tôm sú, cua xanh và cá rô phi đơn tính, mô hình nuôi tôm kết hợp với cá đối mục...
Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tĩnh Gia, cho biết: Đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản là hình thức nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nuôi luân canh các đối tượng khác nhau theo mùa vụ trong năm nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Trong hình thức nuôi xen ghép, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững. Nhất là, đa dạng hóa sản phẩm sẽ tránh được việc “được mùa, mất giá”. Nhờ việc đa dạng hóa đối tượng con nuôi, nên năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện ngày càng tăng. Hằng năm, sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 2.000 tấn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, diện tích nuôi trồng
thủy sản ngày càng được mở rộng, đối tượng nuôi đa dạng nên năng suất và sản lượng
ngày càng tăng. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,...
các địa phương có thế mạnh nuôi trồng thủy sản như Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc...
đã thành công khi triển khai hình thức nuôi xen ghép nhiều đối tượng, nhằm hạn
chế rủi ro trong nuôi trồng, ổn định kinh tế cho người dân địa phương. Có thể
nói, những mô hình này khi triển khai ra thực tế người dân đều dễ thực hiện,
không đòi hỏi đầu tư vốn quá lớn, kỹ thuật lại đơn giản dễ áp dụng.
Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất,
duy trì tính ổn định của vùng nuôi, tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản,
giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân, tạo cho người dân ý thức về phát triển
bền vững, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều lưu ý của hình thức nuôi này là phải
đúng thời điểm mùa vụ, nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật từ khâu chọn giống, phòng bệnh
đến chăm sóc. Đồng thời, người dân cần tìm hiểu đặc điểm, điều kiện tự nhiên của
từng vùng để kết hợp đối tượng nuôi trồng cho phù hợp.