Theo nghiên cứu đăng trên tờ PLOS Biology Warming ngày 9/1, các đại dương ấm lên hạn chế các dòng năng lượng giữa các loài trong hệ sinh thái biển, giảm lượng thức ăn có sẵn cho các loài lớn mà hầu hết là cá, loài ở trên cùng của chuỗi thức ăn.
Theo Giáo sư về hệ sinh thái biển tại Đại học Adelaide ở Australia, Ivan Nagelkerken, và là một trong những tác giả của nghiên cứu, điều này có thể tác động nghiêm trọng đến nguồn cá.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), trên toàn cầu, khoảng 56,5 triệu người sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 và gần 1/5 lượng đạm động vật mà 3,2 tỷ người tiêu thụ trong năm này là từ cá.
Các nghiên cứu cho thấy rằng Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu 2015 phải được thực hiện để các đại dương không bị hủy hoại, mất đa dạng sinh học và suy giảm lượng cá. Theo thỏa thuận lịch sử này, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 3 độ C vào năm 2100.
Các nghiên cứu gần đây đã rung hồi chuông cảnh báo về các đại dương và hệ sinh thái biển khi Trái Đất tiếp tục trải qua thời tiết nóng kỷ lục.
Một nghiên cứu ngày 4/1 trên tờ Science cho biết các "vùng chết", nơi lượng ôxy quá thấp để duy trì sự sống ở hầu hết các loài ở đại dương đã tăng hơn bốn lần trong 50 năm qua do các hoạt động của con người.
Một nghiên cứu khác nói rằng nhiệt độ đại dương đang gây nguy hiểm cho các rạn san hô nhiệt đới, là nguồn thức ăn của cá, gấp gần năm lần so với những năm 1980.