Gia đình ông Lưng là hộ đầu tiên ở làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) chuyển phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá. Ông cho hay: “Do ruộng lúa của gia đình hay bị ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô nên thu nhập bấp bênh. Vì vậy, năm 2014, sau khi tìm hiểu các mô hình kinh tế kết hợp, tôi quyết định thuê người đào ao trên diện tích này để trữ nước tưới cho cây trồng vào mùa khô hạn; đồng thời tận dụng nuôi cá. Sau 1 vụ thu hoạch, tôi thấy nuôi cá cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Do đó, từ 1 ao ban đầu, đến nay, tôi đã mở rộng lên 5 ao với diện tích hơn 1.000 m2 để nuôi cá lóc, rô phi, cá chép... Riêng thu nhập từ 5 ao cá này đã được hơn 70 triệu đồng/năm, chưa kể các nguồn thu khác”.
Thấy mô hình của ông Lưng đạt hiệu quả, nhiều người dân làng Piơm đã học hỏi, làm theo. Ông Hninh cho hay: “Ban đầu, tôi còn ái ngại khi thấy một số hộ bỏ nhiều tiền ra đào ao. Nhưng sau đó, thấy những hộ này có thu nhập ổn định, tôi đã mạnh dạn vay tiền đào 2 ao để nuôi cá. Mỗi năm, 2 ao cá của gia đình tôi cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Không chỉ vậy, việc tích nước trong hồ cũng thuận lợi cho việc tưới lúa, hạn chế được tình trạng thiếu nước trong mùa khô hạn khiến cây trồng giảm năng suất”.
Cánh đồng Kdơ ở thị trấn Đak Đoa rộng trên 100 ha, trong đó có khoảng 77 ha là của người dân làng Piơm. Trước kia, cánh đồng này vào vụ Đông Xuân thường xuyên bị thiếu nước tưới, còn vụ mùa thì ngập úng. Do đó, năng suất lúa không cao, thu nhập của bà con cũng bấp bênh. Từ ngày chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, bà con có nguồn thu ổn định hơn. Không những vậy, nhiều hộ biết kết hợp trồng lúa, rau màu, nuôi cá, nuôi bò, hình thành những mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Ayơ-Trưởng thôn Piơm-cho hay: “Việc chuyển đổi một phần diện tích được một số hộ thực hiện từ năm 2014 với mục đích vừa trữ nước tưới cho ruộng lúa, vừa thả cá để tăng thêm thu nhập. Ban đầu chỉ có 5-6 ao, nhưng sau đó bà con thấy hiệu quả nên đã làm theo. Đến nay, trên địa bàn thôn có 40 hộ đào ao thả cá với số lượng hơn 50 ao. Ao nhỏ cũng vài chục mét vuông, ao rộng đến 1.000 m2. Tính ra nuôi cá chỉ tốn tiền đầu tư đào ao ban đầu vì đa số các hộ dân mở nước để cá tự nhiên vào ao, một số ít thả cá giống”.
Ông Nguyễn Trọng Thành-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa-cho biết: Những năm trước, thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa. Song nhiều diện tích trong vùng bị khô hạn, ngập úng khiến năng suất kém, thu nhập của người dân theo đó cũng bấp bênh. Vì vậy, thị trấn có chủ trương vận động bà con chuyển diện tích đất trồng lúa không thuận lợi sang đào ao để tích nước tưới và thả cá. Sau nhiều vụ cho thấy, trên cùng một diện tích đào ao thả cá mang lại thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Ước tính bình quân 1 sào nuôi cá mang lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm.
“Hiện tại, trên địa bàn thị trấn vẫn còn nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Chúng tôi đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi theo mô hình lồng ghép này để tận dụng tài nguyên đất đai sản xuất, góp phần xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, qua đó xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Để tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi, thị trấn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn để bà con có thêm kiến thức về nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả cao nhất”-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa cho biết thêm.