D.A này được triển khai từ năm 2007 với vốn đầu tư trên 37 tỷ đồng, trong đó, vốn từ Trung ương Đoàn là 20 tỷ đồng, còn lại do Tỉnh Đoàn Phú Thọ huy động. D.A được quy hoạch với tổng diện tích sử dụng hơn 106ha, thuộc địa giới hành chính của 5 xã Sơn Nga, Phùng Xá, Tùng Khê, Cấp Dẫn và Xương Thịnh, trong đó xã Sơn Nga chiếm tới 70% diện tích. Theo thiết kế, toàn bộ diện tích mặt nước của D.A sẽ được chia thành 93 ao nhỏ, mỗi ao nuôi rộng từ 5 - 10ha để đầu tư nuôi thâm canh tôm càng xanh và cá nước ngọt theo phương pháp công nghiệp để tiêu thụ trên thị trường trong nước và tham gia chương trình xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
Theo tính toán, D.A đi vào hoạt động sẽ cho thu hoạch từ 70 - 200 tấn thuỷ sản/năm, giá trị sản xuất sẽ đạt 240 triệu đồng/ha tôm càng xanh, cao hơn 8,9 lần trồng lúa. Về hiệu quả xã hội, D.A sẽ tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân vùng nông nghiệp; đồng thời, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề dịch vụ ở vùng nông thôn. Đây là mô hình điển hình của Đoàn Thanh niên từ đó nhân rộng phong trào đoàn cho nhiều địa phương.
Ông Phạm Ngũ Hổ, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nga cho biết: Trước đây, cánh đồng Đồng Mèn là nơi nuôi sống đa số người dân trong xã, trong đó tập trung là dân ở khu 1 - khu đặc biệt khó khăn của xã được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. D.A triển khai đã hơn 6 năm, gây không ít khó khăn cho đời sống người dân trong vùng D.A. Chính quá trình đắp bờ, ngăn ô đã làm cho vài chục ha hoa màu của các xã lân cận khu vực D.A thất thu. Giờ D.A như một cánh đồng hoang. Những chủ lồng cá ngày nào nay lại phải trở về mò cua, bắt ốc, ngụp lặn trên cánh đồng đầy rong rêu để mưu sinh.
Cũng từ D.A dang dở này đã khiến cấp ủy và chính quyền địa phương "khó ăn, khó nói" với người dân mỗi khi tuyên truyền về các D.A mới.
Nguyên nhân khiến tiến độ của D.A chậm một phần do công tác giải phóng mặt bằng. Khi lập quy hoạch, các hộ dân đều ký cam kết hiến đất làm một số công trình phụ trợ, nhưng đến khi triển khai, nhiều hộ không thực hiện như cam kết và đòi tiền bồi thường cao hơn quy định của Nhà nước. Trong khi đó, nguồn vốn đối ứng của tỉnh (khoảng 4,5 tỷ đồng) để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng lại giải ngân quá chậm. Đến nay, tỉnh mới cấp được 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, do thiếu kinh nghiệm, nên trong quá trình triển khai D.A đã phải điều chỉnh lại nhiều lần càng làm cho D.A chậm tiến độ.
Để tháo gỡ khó khăn, Tỉnh Đoàn Phú Thọ đã kiến nghị Trung ương Đoàn, UBND tỉnh sớm có giải pháp để D.A hoàn thành. Huyện Cẩm Khê cũng kêu gọi nguồn đầu tư khác để làm đường vào vùng D.A và nhiều lần đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục triển khai để người dân sớm được hưởng lợi từ D.A này. Trước mắt, huyện sẽ đầu tư xây dựng đường giao thông chính vào vùng D.A từ nguồn vốn khác và sắp tới cũng sẽ tiến hành xây dựng trạm điện. Với hai hạng mục quan trọng này sẽ tạo điều kiện giúp chủ đầu tư có kế hoạch triển khai D.A hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2013 đúng tiến độ.