Bắn cá đưới đáy biển
Trở lại Vĩnh Thái, tôi ghé nhà anh Nguyễn Văn Úy (thôn Thái Lai) là người có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề thợ lặn biển. Dù khá mệt mỏi vì bị ốm sau chuyến lặn biển, anh vẫn cố gắng ngồi dậy tiếp chuyện.
Anh cho biết: “Nghề thợ lặn được du nhập vào thôn Thái Lai vào khoảng năm 1990 khi những thợ lặn từ tỉnh Hà Tĩnh vào mướn thuyền của ngư dân Thái Lai làm nghề lặn biển bắt tôm hùm, cá mú, sò điệp, sò mai...
Lúc đầu, ngư dân thôn Thái Lai chỉ chèo thuyền chở họ ra đến vùng biển được xác định là vùng rạn đá có trữ lượng tôm, cá, sò nhiều rồi ngồi trên thuyền để xem các thợ lặn làm việc. Chính những chuyến đi theo để gián tiếp học việc như vậy, nhiều ngư dân trong thôn dần dần bắt đầu học được nghề lặn biển.
Đến nay, thôn Thái Lai có khoảng 40 - 42 người làm nghề thợ lặn. Muốn hành nghề thợ lặn không phải là khó bởi chỉ cần đầu tư số tiền khoảng 20 - 25 triệu đồng để mua một chiếc thuyền nhỏ, mua máy chuyển khí, áo quần người nhái, súng bắn cá, xỉa cá....là có thể ra biển”.
Dừng câu chuyện để uống chút nước cho dịu đi cơn ho dài làm bỏng rát cổ họng, anh Nguyễn Văn Úy bắt đầu tường thuật cho tôi hiểu cặn kẽ thời gian làm việc trong ngày của thợ lặn biển:
“Buổi sáng đi thuyền ra đến điểm có tôm cá, thợ lặn biển bắt đầu khởi động cho máy nổ chạy rồi nối dây từ máy nổ qua bộ phận tạo khí dẫn đến chiếc bình đựng khí. Chiếc bình này sẽ cung cấp oxy cho các thợ lặn thông qua ống chuyển khí bằng cao su dài khoảng 70 - 100 m (to bằng ngón tay cái).
Sau khi kiểm tra kỹ thuật cẩn thận từng dụng cụ, các thợ lặn ngậm ống, đeo kính lặn, móc vợt lưới vào cổ và nịch dây chì (nặng khoảng 10 - 15 kg) vào người rồi quăng mình xuống biển mất hút.
Trên thuyền lúc này chỉ còn lại một người vừa trực để xử lý khi sự cố xảy ra, vừa chờ để kéo tôm, cá, sò...mà các thợ lặn đánh bắt được dưới đáy biển lên thuyền.
Xuống đến đáy biển (thường là sâu khoảng 10 - 20 sải nước, 1 sải nước tương đương 1, 6 m), thợ lặn bắt đầu chậm rãi di chuyển trong làn nước lờ mờ để tìm bắt sò, tôm hùm, cá, cua... bằng tay.
Tôm hùm thường nằm ở kẽ đá còn sò điệp, sò mai phải đào lút tay xuống cát mới bắt được, còn nếu gặp cá lớn như cá mú, cá rót thì người thợ lặn phải nhẹ nhàng dùng súng bắn cá (được cấu tạo như cung tên nhưng tên được làm bằng đoạn thép phía trước nhọn, có ngạnh) để bắn.
Cá, tôm, sò, cua đánh bắt được cho vào vợt lưới đeo ở cổ, khi nào đầy thì giật giật sợi dây gắn vợt lưới với thuyền để người trên thuyền kéo lên. Mỗi lần lặn xuống, thợ lặn có thể đánh bắt khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ dưới đáy biển.
Bình quân mỗi ngày, thợ lặn biển giỏi có thể đánh bắt được 50 - 60 kg tôm, cá, sò, cua... là chuyện thường (thu nhập bình quân hiện tại của một thợ lặn trong ngày là 300 - 400 nghìn đồng, có thời điểm đánh bắt nhiều có thể lên đến vài triệu đồng).
Và mùa lặn biển chính thường bắt đầu từ tháng 2 - 3 kéo dài đến tháng 9 - 10 hàng năm bởi vào thời gian này nước biển ấm, lại trong nên khi lặn xuống có thể thấy tôm, cá để đánh bắt, còn các tháng khác nước biển lạnh, lại đục ngầu nên khó hành nghề thợ lặn”.
Đánh cược mạng sống
Khi tôi hỏi anh Nguyễn Văn Úy về những nguy hiểm gặp phải trong đời thợ lặn của mình, anh trầm ngâm: “Làm nghề thợ lặn sợ nhất là chứng giảm áp. Được hiểu nôm na là khi lặn xuống quá sâu bị sức ép của nước nên khi trồi lên bị đứt mạch máu mà chết.
Nghề lặn biển rất nhiều hiểm nguy rình rập.
Nếu may mắn không chết hoặc được cứu chữa kịp thời thì cũng lâm vào cảnh tàn tật, bại liệt suốt đời. Mà những người chết vì chứng giảm áp cũng muôn hình, vạn trạng lắm như có người chết ngay dưới đáy biển, có người chết khi đã được đưa lên tàu và có người đang ngồi hút thuốc bỗng lăn quay ra co giật rồi chết.
Muốn phòng tránh chứng giảm áp thì thợ lặn có kinh nghiệm phải tuân thủ một quy tắc để bảo toàn tính mạng là sau 30 phút lặn dưới độ sâu 60m, khi trồi lên cách mặt nước khoảng 40m, thợ lặn phải dừng lại đó 10 - 15 phút để cơ thể thích ứng với sự thay đổi áp suất của nước.
Khi còn cách mặt nước 15m cần phải nghỉ thêm một lần nữa mới được lên thuyền. Sau khi lên thuyền phải để cơ thể nghỉ ngơi 30 phút mới được sinh hoạt bình thường”.
Gần 20 năm làm nghề thợ lặn, anh Úy đã đánh bắt tôm, cá, sò, cua...nhiều nơi từ rạn đá vùng biển Cửa Tùng - Cồn Cỏ cho đến tận Bình Thuận rồi nhiều vùng biển khác.
Nhiều lần đang hành nghề phải chứng kiến cảnh bạn nghề bị nạn mà không thể nào cứu được. Làm nghề thợ lặn là đánh cược mạng sống của mình để “mưu sinh” bởi ngoài chứng giảm áp thường gặp thì còn nhiều sự cố nguy hiểm đến tính mạng như đang lặn thì máy chuyển khí trục trặc, nổ bình chứa khí....
Ngay tại thôn Thái Lai, từ ngày du nhập nghề thợ lặn đến nay đã có 4 - 5 người phải bỏ mạng giữa biển khơi. Cách đây khoảng 1 năm, cánh thợ lặn thôn Thái Lai lại tiếp tục chứng kiến cái chết do chứng giảm áp của anh Nguyễn Văn Thương.
Hôm đó, trong khi đánh bắt ở vùng rạn đá Cửa Tùng thì anh Thương bị chứng giảm áp. Mặc dù các thợ lặn trên thuyền đã đưa được anh lên thuyền, sau đó nhanh chóng đưa anh vào bờ rồi chuyển lên bệnh viện nhưng anh Thương vẫn không qua khỏi, để lại vợ với mấy đứa con nheo nhóc.
“Dẫu biết nghề thợ lặn là nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều khi tôi cũng muốn bỏ nghề nhưng rồi vì miếng cơm, manh áo cho gia đình, tôi lại lên thuyền ra biển để lặn ngụp bắt cá, bắt tôm... “Sinh nghề, tử nghiệp” mà chú”, anh Úy tâm sự.