Tại các siêu thị, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao
Xuất khẩu khởi sắc
Theo VASEP, tính đến giữa tháng 1/2012, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 79,9 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, thị trường EU chiếm tới 27,2% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam với 21,7 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Và trong khi nhiều thị trường truyền thống sụt giảm, như Đức giảm 23,3% đạt 2,5 triệu USD, Tây Ban Nha giảm 5,3% đạt 4,5 triệu USD... thì một số thị trường như Hà Lan và Ba Lan vẫn tăng trưởng giá trị trên hai con số, đạt ở mức 3,5 triệu USD và 2,2 triệu USD. Bên cạnh đó, một số thị trường tại châu Mỹ như Brazil và Colombia đều tăng trưởng ở mức trên ba con số.
Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra như Agifish, Anvifish, Navico... đã có thêm hợp đồng xuất khẩu mới. Hiện nay các nhà nhập khẩu cá tra fillet từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ... đặt mua nhiều hơn, thị trường xuất khẩu sau tết đang rất khả quan. Đồng thời, giá xuất khẩu vẫn ổn định ở mức 3,2 USD/kg.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết, năm 2012, xuất khẩu cá tra sẽ không có nhiều biến động, nhất là về mặt giá cả. Cuộc khủng hoảng nợ công của EU vẫn chưa qua nhưng sẽ khó có tác động đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, đã xuất hiện thêm nhiều thị trường mới nổi ở châu Mỹ như Mexico, Brazil, Canada nên đầu ra cho mặt hàng này sẽ không khó.
Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hùng Cá thì cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là thời cơ cho sản phẩm cá tra Việt Nam, do việc EU hỗ trợ cho các công ty thủy sản châu Âu giảm xuống và người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, tìm nguồn cung thủy sản giá thấp.
Giá nguyên liệu tăng theo
Sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của xuất khẩu đã kéo theo việc giá nguyên liệu tăng trở lại và xu hướng tăng có lợi cho người nuôi. Tại Châu Đốc, An Giang, giá cá tra thịt trắng cỡ khoảng 0,8 kg/con ở mức 25.000 - 26.000 VNĐ/kg, tại huyện Thoại Sơn là ở mức 26.000 - 28.000 VNĐ/kg, ở huyện Long Xuyên và Phú Tân là mức 26.000 - 27.000 VNĐ/kg và giá cá tra thịt vàng ở mức 23.000 - 24.000 VNĐ/kg.
Tại Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu thịt trắng cỡ 0,7 - 0,8 kg/con tăng 500 đồng/kg lên mức 27.000 - 28.000 VNĐ/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con ở mức 25.500 - 26.500 VNĐ/kg.
Tại Bến Tre, giá ca tra nguyên liệu cả hai loại đều tăng cao nhất từ 1.000 - 1.500 VNĐ/kg. Cụ thể, giá cá loại 1 lên mức 27.000 - 27.500 VNĐ/kg, cá thịt vàng mức 25.000 - 26.000 VNĐ/kg.
Tại Tiền Giang, giá cá tra nguyên liệu cũng tăng thêm 1.000 VNĐ/kg cả hai loại. Giá cá loại 1 trong khoảng 26.000 - 27.000 VNĐ/kg và giá cá thịt vàng là 24.000 - 25.000 đồng/kg.
Với giá này, đảm bảo cho người nuôi có lãi tương đối so với giá thành sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nông dân không có cá để bán vì phần lớn cá nuôi mới chỉ đạt kích cỡ khoảng 500g/con. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An, Cần Thơ, thời điểm thu hoạch cá sẽ bắt đầu và kéo dài từ khoảng tháng 3 - 5. Cũng theo ông Hải, dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng người nuôi cá cũng không lãi nhiều, vì chi phí sản xuất đã lên tới 23.000 - 24.000 VNĐ/kg cá thịt.
Cá giống “sốt” giá
Trước những tín hiệu lạc quan từ thị trường, hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL, bà con nông dân cũng đang tích cực cải tạo ao, thả nuôi. Đây là một trong những yếu tố khiến tình trạng cá giống khan hiếm, sốt giá.
Giá cá tra giống hiện tăng từ 10 - 15% so với thời điểm trước tết và tăng khoảng 50% so với với cùng kỳ năm ngoái. Tại một số cơ sở kinh doanh cá giống ở Tiền Giang, cá cỡ 1,2 - 1,5 cm có giá từ 1.000 - 1.500 VNĐ/con, cỡ 1,5 - 2 cm từ 1.500 - 2.000 VNĐ/con. Tại Đồng Tháp, cá cỡ 1 - 1,2 cm có giá 450 - 500 VNĐ/con, tăng khoảng 80% so với vài tháng trước. Còn ở An Giang, cá cỡ 1,5 - 1,8 cm có giá 1.200 VNĐ/con, loại 2 cm lên đến 1.700 VNĐ/con.
Còn trên thị trường, cá giống loại 2cm tới 2.100 - 2.200 VNĐ/con, loại 3 cm có giá 2.500 - 2.800 VNĐ/con, thậm chí lên đến 3.000 VNĐ/con. Ước tính, sự thiếu hụt nguồn cá giống này chiếm đến 70% nhu cầu thả nuôi của bà con nông dân. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ đợt lũ kéo dài và không khí lạnh, làm cho việc sản xuất và ươm nuôi cá giống gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, thị trường cá giống mới phục hồi và ổn định trở lại.
Việc khan hiếm nguồn cá giống này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu năm 2013, vì thời gian nuôi cá trung bình từ 8 - 10 tháng.
>> Theo VASEP, năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng sẽ không tác động nhiều đến ngành cá tra Việt Nam. Bởi hiện nay, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao. Hình ảnh cá tra cũng đang dần sáng trở lại, đặc biệt qua việc được tổ chức WWF công nhận là loài thủy sản nuôi trồng bền vững, khuyến khích người tiêu dùng thế giới sử dụng.