Hy vọng mùa “lũ đẹp”
Kênh Bảy Xã những ngày đầu tháng 8 (âm lịch) dần chuyển màu. Dòng nước đỏ ngập phù sa, theo con nước từ thượng nguồn đổ về, vun đắp phù sa cho đồng bằng phía hạ du, hòa quyện với không khí mát lành từ cánh đồng bao la, càng tăng thêm cảm giác thú vị đặc trưng của mùa nước nổi. Xuôi vào đồng nước của xã Vĩnh Hậu, dễ dàng bắt gặp những chiếc xuồng cui của cư dân khai thác sản vật từ mùa lũ.
Là một trong những nơi đón con nước từ thượng nguồn về sớm nhất của miền Tây, đồng nước lũ nơi đây không chỉ có cư dân địa phương khai thác, mà nhiều người sống nghề câu lưới, lọp, lờ… từ các tỉnh khác tìm đến mưu sinh.
Gắn bó cuộc đời với nghề câu lưới, ông Nguyễn Văn Dùng (65 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Năm nay lũ về sớm hơn mọi năm, nước cao hơn nên cá tôm cũng kha khá. Lâu lắm rồi, người dân đầu nguồn không thấy được một mùa lũ đẹp. Lũ không về, tôm cá không có, người dân sống nghề câu lưới rất khó khăn. Hy vọng năm nay lũ sẽ cao, đời sống bà con đỡ vất vả”.
Ở phía Tây sông Hậu là xã Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, nước lên ăm ắp phía ngoài đê bao. Kèm theo đó là sản vật từ mùa lũ mang về vô cùng phong phú, thu nhập của người dân cũng tốt hơn. Với họ, lũ là cơ hội mưu sinh. Bởi đã quen “sống chung với lũ”, nên ai cũng chủ động thích ứng, sẵn sàng khai thác nguồn lợi từ lũ mang lại.
“Mùa lũ không còn “gây khó dễ” cho bà con nữa, mà trở thành cơ hội kiếm thu nhập. Người lớn lo chằng chống, bảo vệ nhà cửa; trẻ nhỏ được bảo vệ an toàn (nhiều năm nay huyện An Phú duy trì rất hiệu quả mô hình giữ trẻ mùa lũ). Chúng tôi tranh thủ 2-3 tháng mùa lũ khai thác tôm, cá kiếm thêm thu nhập, cuộc sống đỡ hơn” - một người dân ở xã Nhơn Hội chia sẻ.
Con nước “đỏng đảnh”
Theo thông lệ, cứ tháng 5 (âm lịch) con nước quay, tháng 6 nước chuyển dòng, tháng 7 “nước nhảy khỏi bờ”, cư dân thượng nguồn sông Cửu Long bắt đầu mùa làm ăn mới. Thật ra, kinh nghiệm dân gian trong việc “đoán nước” không còn chính xác. Do ảnh hưởng từ việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, khiến mùa nước nổi về muộn, thậm chí có năm không về. Con nước “đỏng đảnh”, “trái tính, trái nết” đã bao lần lỗi hẹn với cư dân vùng lũ vốn luôn thủy chung chờ đợi!
Năm nay thì khá hơn. Mới tháng 6 (âm lịch), nước lũ đã bơm phù sa tưới tắm cho triền đất phía ngoài đê bao. Anh Lê Văn Vũ Linh (ngụ xã Nhơn Hội) cho biết, mọi năm, thường cuối tháng 6 (âm lịch) nước mới lên. Năm nay, vừa đầu tháng 6, nước lên rồi. Bà con ở đây ngóng nước về để bồi đắp phù sa làm lúa, trồng màu tốt tươi; để bà con được khai thác, đánh bắt mùa nước nổi...
Năm nào cũng vậy, ngay từ mùa khô, người dân đầu nguồn tất bật chuẩn bị ghe, xuồng, câu, lưới, lọp, lờ… để sẵn sàng khai thác khi lũ chớm về. Từ xóm làm lọp cá linh ở xã Phước Hưng, đến xóm làm lọp cua đồng ở xã biên giới Vĩnh Hội Đông, bà con tất bật cho mùa làm ăn mới.
“Mọi năm, nước nhỏ thì mần ăn hổng có bao nhiêu, do ít cá, tôm, cua. Năm nay nước khá hơn, khai thác tôm, cá, cua… nhiều hơn. Nhưng con nước thì khó dự đoán lắm, lên xuống thất thường, khi trồi, khi sụt. Tôi phải tranh thủ thời gian này để kiếm thêm thu nhập cho gia đình” - ông Nguyễn Văn Bon (ngụ xã Vĩnh Hội Đông) nói.
Rảo một vòng quanh các chợ biên giới Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu… sẽ cảm nhận được không khí mua bán sản vật mùa lũ khá sôi động. Chợ bày bán đặc sản mùa lũ là cá linh, đến cua đồng, ốc, tôm, cá, rắn… đến bông điên điển, bông súng, bông sen… 4 giờ sáng đã bắt đầu nhóm chợ, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp theo tiếng máy nổ xình xịch, tiếng xe máy hòa với tiếng nói cười lao xao. Hơn 6 giờ sáng là chợ nhộn nhịp nhất.
Chợ quê, nhưng giờ hiện đại hơn rồi, người ta còn bán theo kiểu “combo” để thực khách dễ chọn. Ví dụ như, muốn mua cá linh về kho lạt thì người ta bán cá kèm theo me non, hoặc trái bứa, trái trúc, bông súng đồng, bông điên điển… Giá cả rất bình dân, thuận mua, vừa bán, vui vẻ đôi bên.
Năm nay, cư dân vùng lũ kỳ vọng có được mùa “lũ đẹp” để có thêm công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và thu nhập. Nhớ mùa lũ năm ngoái, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, họ không khai thác được gì. Lũ về, còn là dịp để tháo chua, rửa phèn, vun bồi phù sa cho đồng ruộng, tăng năng suất mùa vụ mới. Đón lũ, cư dân đầu nguồn vẫn không quên đảm bảo an toàn, đề phòng thiên tai, chằng chống nhà cửa, đảm bảo cuộc sống bình an nhất có thể.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, huyện tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, nhất là tuyến đê bao, cống dưới đê để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, thường xuyên rà soát cập nhật hiện trạng thủy lợi, vị trí xung yếu để có phương án bảo vệ an toàn sản xuất vụ hè thu và thu đông. Thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai, đặc biệt quan tâm tình hình mưa dầm, sạt lở đất và mưa giông, lốc xoáy có thể xảy ra trên địa bàn huyện... để kịp thời xử trí.