Được biết, có nơi còn gọi đậu rồng là đậu xương rồng, đậu khế, đậu cánh... Đây là một loại cây thân thảo, thuộc dạng dây leo, đa niên nhờ có củ to mọc sâu dưới đất. Khi dây tàn, mưa xuống củ sẽ đâm chồi mọc lại. Lá đậu rồng hình tam giác, hoa mọc thành chùm ở nách lá. Trái xương rồng có 4 cạnh, mép có khía răng cưa, bên trong chứa khoàng 20 hột. Lúc còn non trái có màu xanh lục và khi già chuyển sang màu vàng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có hai giống đậu rồng, giống Việt Nam và Thái Lan nhưng rất khó phân biệt. Người ta chỉ biết trái đậu rồng Việt Nam khi hột già có màu nâu đen, còn của Thái thì màu trắng.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì đậu rồng có nhiều vitamin E và A, chứa nhiều calcium hơn cả đậu nành lẫn đậu phộng. Đăc biệt, tỷ lệ protein chiếm 41,9% khiến đậu rồng được Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO ) xếp vào loại cây lương thực rẻ tiền nhưng bổ dưỡng. Tuy nhiên, trái đậu rồng lại có chứa chất purin nên không thích hợp với người bị thống phong (gout). Tốt nhất nên luộc hoặc nấu, xào chín trước khi ăn.
Mới đây, trong chuyến về thăm quê tôi được một người bạn tặng cho một rổ đậu rồng non tươi mơn mởn. Mừng quá, tôi mang về nhưng không biết phải làm món gì cho thật hấp dẫn vì lâu quá rồi mình chưa thưởng thức món nầy. Cuối cùng tôi đã quyết định làm món xào thịt với tép.
Đậu rồng xào tép và thịt ba chỉ. Ảnh: Thiên Phúc
Trước hết, tôi chọn những trái còn tươi xanh, rửa sạch và cắt xéo theo chiều dọc. Tiếp đến, tôi dùng thịt ba rọi (ba chỉ) xắt mỏng cùng với tép đem ướp chung với tỏi, nước mắm, bột nêm, bột ngọt cho thấm đều.
Bắc chảo nóng lên, phi tỏi với dầu ăn, sau đó cho thịt và tép vào xào cho đến khi bốc mùi thơm mới cho đậu rồng vào xào chung. Nhớ đảo thật đều tay và nêm nếm vừa khẩu vị. Đậu rồng không nên xào quá chín, sẽ mất độ giòn.
Đậu rồng xào tép - thịt có vị ngọt, giòn, tạo nên mùi rất riêng, không giống với các loại đậu que, đậu đũa khiến cho người ăn có cảm giác lạ miệng, dễ kích thích vị giác. Món nầy là món chính trong bữa cơm gia đình, cũng có thể là món “lai rai” đối nam giới nên đậu rồng hiện nay đã trở thành thứ đậu quý và là món ăn vị thuốc nên rất nhiều người tìm mua.
Đậu rồng ngoài xào tép, xào tỏi, xào thịt bò ra còn có thể ăn sống chấm mắm kho, nấu lẫu, luộc hoặc nấu canh chua… món nào cũng lạ miệng và thấm đậm tình quê. Vị thơm ngon, giòn giòn, dai dai của đậu rồng hòa cùng với chất ngọt, béo của thịt, tép và vị cay cay của nước chấm lan tỏa vào vị giác, khiến người ăn cảm thấy ngon miệng, tuy dân dã quê mùa nhưng không kém phần ý nhị.