Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà đến nay đã phát triển ra những khu vực xa hơn như các nước khu vực châu Phi, châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như Australia, Mỹ, Singapore, Nhật Bản… với tổng số là 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thực tế, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng về thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là một số dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, bưu chính viễn thông… Các hoạt động này đã giúp hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế, liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư và đã có những đóng góp tích cực phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho địa bàn nước sở tại, tạo công ăn, việc làm cho người lao động địa phương.
Bên cạnh những thành công, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Chiến lược tổng thể về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng, trừ ngành dầu khí. Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Việc thu thập thông tin về môi trường đầu tư chưa được coi trọng, đặc biệt công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức.
Một trong những lý do khiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài được đẩy mạnh là nhờ những tháo gỡ chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, theo Quyết định số 4376/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thương vụ tại các nước và vùng lãnh thổ chưa được đề cập rõ nét. Chính vì vậy, để hoàn thành những trọng trách này, cần phải xây dựng cơ chế và sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan để hỗ trợ cho các cơ quan thương vụ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tại hội nghị tham tán mới đây có ý kiến cho rằng, là đơn vị đang có phần lớn số lượng và giá trị các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, ngành Công Thương cũng cần đẩy mạnh công tác quản lý ngành và hỗ trợ phát triển hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong đó, vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đối với hoạt động này cần được quan tâm đúng mực. Các cơ quan thương vụ của ngành Công Thương cần thể hiện vai trò trong việc nắm bắt thông tin doanh nghiệp, đưa ra giải pháp và tư vấn chính sách hỗ trợ và phát triển cho ngành, đồng thời phổ biến chính sách cũng như môi trường đầu tư, kinh nghiệm, thông tin thị trường, địa bàn hoạt động cho doanh nghiệp.
Tính đến nay, đã có 820 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 18,18 tỷ USD. Các dự án này tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng, tiếp đến là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến và công nghiệp điện.