Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là gì?
Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR (Feed Conversion Ratio) là một chỉ tiêu hàng đầu của nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Những người nuôi cá hay tôm thâm canh thường biết đến chỉ tiêu “hệ số chuyển đổi thức ăn”. “Hệ số chuyển đổi thức ăn” – hay ngắn gọn là “hệ số thức ăn”, viết tắt là FCR – đơn giản là lượng thức ăn tiêu tốn để tăng trọng một kilogram vật nuôi.
Ví dụ, nếu đòi hỏi 2 kilogram thức ăn để có tăng trọng 1 kilogram cá hay tôm thì FCR là 2. Khi một thức ăn có FCR thấp, có nghĩa là sẽ cần ít thức ăn hơn để sản xuất 1 kilogram cá hay tôm, và như vậy một FCR thấp là một chỉ dẫn tốt của một thức ăn có chất lượng cao.
FCR là hệ số quan trọng trong nuôi trồng thủy sản.
Tại sao FCR quan trọng?
FCR là một công cụ có giá trị và sức mạnh cho người nuôi. Nó cho phép người nuôi tính toán lượng thức ăn được cần cho vụ nuôi. Việc biết được bao nhiêu thức ăn cần sẽ cho phép người nuôi xác định lợi nhuận của doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản. Điều này có nghĩa là FCR cho phép người nuôi đưa ra quyết định thông minh trong việc lựa chọn và sử dụng thức ăn để tối đa hóa lợi nhuận.
Một cách tiêu biểu, FCR trong nuôi trồng thủy sản thay đổi trong khoảng 1,2 đến 2,2 tùy thuộc vào loại thức ăn, loài nuôi, kích thước vật nuôi, hoạt động cho ăn và các điều kiện chất lượng nước trong các hệ thống nuôi. Đôi khi, FCR khoảng 1,0 hay nhỏ hơn cũng được báo cáo, đặc biệt trong nuôi cá hồi (salmon).
Về mặt sinh học và nhiệt động lực học, năng lượng và các dinh dưỡng trong thức ăn không thể được chuyển hóa một cách hoàn toàn thành các dinh dưỡng và năng lượng trong các vật nuôi. Điều này cũng giống với ý tưởng tạo ra một động cơ hoạt động vĩnh cửu mà không thể xảy ra do bị ngăn chặn bởi các định luật về nhiệt động lực học. FCR là một chỉ dẫn hữu ích trong quản lý trang trại, nhưng nó không có ý nghĩa thực tiễn về cân bằng khối lượng.
FCR là một công cụ cho phép người nuôi tính toán lượng thức ăn được cần cho vụ nuôi. Ảnh: Tây Oggy
Sự giải thích tại sao các FCR thực tế là thực sự ảo tưởng có liên quan đến hàm lượng nước. Một cách tiêu biểu thức ăn chứa 8-10% độ ẩm (nước) và cá tôm sống thường có 73-77% nước. Ở một FCR là 1, có nghĩa cần 1 kg thức ăn chứa khoảng 0,91 kg vật chất khô để tạo ra khoảng 0,25 kg vật chất khô của vật nuôi. FCR tính theo vật chất khô sẽ là 3,64 khi được so sánh với FCR thực tế là 1. Điều này có nghĩa là 2,64 kg vật chất khô được giải phóng dưới dạng chất thải khi 1,0 kg vật chất khô được thu hoạch trong sinh khối nuôi trồng thủy sản.
FCR vật chất khô là sự tính toán FCR liên quan đến sự quan tâm về chất lượng nước ao nuôi. Đầu vào thức ăn chủ yếu được ăn vào và tiêu hóa ngang qua ruột. Nhưng một phần của vật chất khô, thường khoảng 2-5% cho thức ăn cá và 10-15% cho thức ăn tôm, không được ăn, và khoảng 10% thức ăn đã ăn vào được bài tiết dưới dạng phân. Một phần các chất dinh dưỡng được hấp thu ngang qua ruột được ôxi hóa bởi các loài nuôi thủy sản để tạo năng lượng, một phần được tiếp tục dị hóa và thay thế bởi các chất dinh dưỡng vừa được hấp thu, và phần còn lại của các chất dinh dưỡng được thu hoạch trong sinh khối cá hay tôm.
FCR thấp sẽ làm giảm lượng thức ăn được đòi hỏi cho mỗi đơn vị sản xuất để hạ thấp các chi phí thức ăn. Ảnh: Hoàng Vủ
FCR quản lý càng cao, FCR vật chất khô càng cao. Một FCR cao dẫn đến một nhu cầu ôxi tăng thêm để ôxi hóa các chất thải thức ăn và một sự mất các chất dinh dưỡng thức ăn lớn hơn, ví dụ ni-tơ và phốt-pho, vào trong hệ thống nuôi cho mỗi đơn vị thức ăn được sử dụng.
Giảm các FCR có những lợi ích lớn lao. Một FCR thấp là quan trọng bởi vì nó giảm việc đưa vào hệ thống các chất ô nhiễm và bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống nuôi. Nó cũng giảm việc đưa vào môi trường các chất ô nhiễm. FCR thấp sẽ giảm nhu cầu ôxi gây ra bởi thức ăn để cho phép một sinh khối vật nuôi lớn hơn đối với mỗi mã lực của máy sục khí. Hơn nữa, một FCR thấp sẽ làm giảm lượng thức ăn được đòi hỏi cho mỗi đơn vị sản xuất để hạ thấp các chi phí thức ăn trong chi phí nuôi cá và tôm.
Làm sao hạ thấp FCR trong nuôi tôm?
Theo chuyên gia nuôi tôm Chalor Limsuwan của Thái Lan, có 5 nguyên nhân gây ra các FCR cao.
1. Nhiệt độ nước cao bất thường
Điều này là bình thường ở những trang trại nuôi tôm trong ao lót bạt. Vào mùa nóng, nhiệt độ nước ao vào buổi sáng có thể đạt 31ºC và buổi chiều có thể lên đến 33-34ºC. Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) ăn nhiều nhất và tăng trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 28-30ºC và khi nhiệt độ tăng cao, tôm có khuynh hướng ăn nhiều hơn. Kiểm tra sàng hay nhá, khi thấy không còn thức ăn và người nuôi sẽ tăng lượng ăn.
Chalor Limsuwan nhận thấy ở nhiệt độ 33ºC lượng ăn của tôm chân trắng tăng thêm 36,5% so với lượng ăn ở 29ºC, nhưng tỷ lệ tiêu hóa các chất bột đường (carbohydrate), đạm (protein) và mỡ (lipid) của thức ăn là khác biệt không có ý nghĩa giữa 2 nhiệt độ khảo sát.
Thử nghiệm nuôi tôm chân trắng ở 29ºC và 33ºC với lượng ăn ở 29ºC là 3% trọng lượng cơ thể và lượng ăn ở 33ºC cao hơn 36,5% so với ở 29ºC. Sau 49 ngày nuôi, tăng trưởng của tôm ở 29ºC và ở 33ºC (với lượng ăn tăng thêm 36,5%) là như nhau; tuy nhiên, tôm nuôi ở nhiệt độ 33ºC nhưng cho ăn với lượng 3% trọng lượng cơ thể (như ở nhiệt độ 29ºC) có tăng trưởng thấp hơn.
Khi nhiệt độ tăng cao, tôm có khuynh hướng ăn nhiều hơn.
Kết quả này chỉ ra rằng khi nhiệt độ nước tăng cao trong thời gian ngắn thì việc tăng lượng ăn là không cần thiết. Khi nhiệt độ nước tăng cao trong thời gian dài thì việc tăng lượng ăn là cần thiết; tuy nhiên, việc tăng lượng ăn dựa trên kiểm tra sàng hay nhá dễ bị rơi vào tình trạng cho ăn quá mức dẫn tới chất lượng nước bị giảm và ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tôm.
2. Cho ăn quá mức
Tình trạng cho tôm ăn quá mức thường xảy ra khi dựa trên kiểm tra sàng hay nhá như được đề cập ở trên. Để tránh tình trạng này, cần xác định lượng ăn tối đa dựa trên sinh khối và giai đoạn sinh trưởng của tôm. Ví dụ, nếu 1 triệu tôm giống được thả và sau 65 ngày nuôi tôm có trọng lượng 12 g/con và tỷ lệ sống xấp xỉ 80%, khối lượng tôm trong ao là 800.000 x 12 g = 9.600 kg. Nếu khẩu phần ăn là 3% trọng lượng cơ thể cho tôm có khối lượng 12 g/con thì lượng thức ăn sẽ là 288 kg/ngày. Nếu nhiệt độ nước tăng lên thì lượng ăn tối đa trong ngày cho tôm cũng không nên vượt quá 288 kg.
Kiểm tra sàng hay nhá để kiểm tra lượng thức ăn cho tôm. Ảnh: Tepbac.
Như vậy, để tránh cho ăn quá mức, cần thường xuyên đánh giá sinh khối dựa trên khối lượng và tỷ lệ sống của tôm, và tính lượng ăn tối đa dựa trên khẩu phần ăn được khuyến cáo bởi nhà sản xuất thức ăn.
3. Cho ăn quá tần suất
Bình thường tôm chân trắng được cho ăn 3-5 lần/ngày, khoảng cách thích hợp giữa 2 lần cho ăn là 4,5 giờ với nhiệt độ nước 28-30ºC. Với phương pháp cho ăn thủ công, hoạt động cho tôm ăn thường diễn ra vào thời điểm ban ngày. Nếu cho ăn 4 lần/ngày thì khoảng cách giữa 2 lần cho ăn chỉ khoảng 3 giờ, và như vậy thức ăn thừa giữa 2 lần cho ăn sẽ tăng lên. Tốt nhất là giảm số lần cho ăn từ 4 còn 3 lần/ngày - để đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần cho ăn là 4,5 giờ - sẽ giúp tôm ăn hiệu quả hơn và giảm FCR.
4. Dòng chảy từ các quạt nước quá nhanh
Ở mật độ nuôi cao, các ao cần được trang bị quạt nước để bảo đảm ôxi ở mức ≥ 4 mg/L. Tuy nhiên do bố trí quạt nước không phù hợp nên tạo ra dòng chảy quá nhanh trong ao, đặc biệt ở những ao lót bạt. Nếu tất cả quạt nước hoạt động trong lúc cho ăn, dòng nước có thể mang thức ăn vào giữa ao. Ở những giai đoạn cuối của vụ nuôi, những số lượng lớn chất đáy và chất thải có khuynh hướng tích tụ vào giữa ao, và nếu thức ăn bị lẫn vào thì tôm không thể ăn và trở nên chất thải. Cách để ngăn chặn vấn đề này là tắt một số quạt nước trong thời điểm cho ăn để tránh dòng nước mang thức ăn vào giữa ao. Tuy nhiên, không nên tắt tất cả các quạt nước cùng lúc, đặc biệt khi tôm lớn hơn.
Nên tắt một số quạt nước trong thời điểm cho ăn.
5. Sục khí không hiệu quả
Nếu không có đủ máy sục khí để cung cấp ôxi hiệu quả trong ao, vấn đề thiếu ôxi có thể không trở nên rõ ràng ở 50 ngày đầu của vụ nuôi do chất lượng nước vẫn còn tốt; nhưng sau khi một số các chất thải tích lũy, hàm lượng ôxi ở gần đáy sẽ giảm dưới mức tối hảo (≥ 4 mg/L) cho tôm ăn mồi và sinh trưởng. Tôm sẽ tăng trưởng chậm đi và trở nên yếu hơn.
Nếu không có đủ máy sục khí để cung cấp oxi, tôm sẽ tăng trưởng chậm đi và trở nên yếu hơn. Ảnh: Lê Nhật Long
Đặc biệt ở giữa ao, các chất thải sẽ tích tụ cho đến khi ôxi không còn hiệu quả cho các vi khuẩn hiếu khí phân hủy chất hữu cơ. Rồi các vi khuẩn kỵ khí sẽ thực hiện các quá trình này, nghĩa là sự phân hủy chất hữu cơ sẽ chậm đi đồng thời với việc sản sinh các chất độc hại như ammonia (NH3), nitrite (NO2-) và hydrogen sulfide (H2S). Nếu tôm được tiếp tục nuôi đến kích cỡ thu hoạch, FCR sẽ cao và chi phí sản xuất cũng cao. Cách thức để ngăn chặn sục khí không hiệu quả là hạn chế mật độ tôm thả trong giới hạn thích hợp; như thế sẽ có ôxi hiệu quả và duy trì đáy ao sạch trong suốt vụ nuôi.