Có rất nhiều cơ hội mới từ TPP khiến chúng ta có quyền kỳ vọng về một nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, bền vững nhất là khi TTP chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, các nước thành viên đều là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới… Song bên cạnh cơ hội, vẫn có không ít những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt và cần khẩn trương điều chỉnh để thích ứng. PV Báo CAND ghi nhận thực tế tại ĐBSCL – nơi được xem là vựa thủy sản lớn của cả nước…
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với dệt may, giày da thì thủy sản là ngành được dự báo sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do các rào cản về thương mại dần được tháo gỡ. Có điều, nhìn từ thực tế vựa thủy sản của cả nước, cụ thể là từ câu chuyện con cá tra, con tôm sú vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước những cơ hội nói trên.
Theo số liệu đăng ký tại Hiệp hội cá tra Việt Nam, năm 2015, cá tra (chủ yếu là sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh) Việt Nam xuất khẩu (XK) đến 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có trên 200 DN tham gia hoạt động XK mặt hàng này. Tính đến 3/10/2015, tổng lượng đăng ký XK đạt 739.000 tấn thành phẩm. Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 122.000 tấn thành phẩm.
Có một thông tin không vui khi mới đây thống kê từ Tổng cục Hải quan, cho thấy đến hết tháng 9/2015, kim ngạch XK cá tra giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường chất lượng cao là EUvà Mỹ giảm liên tục từ đầu năm (EU giảm 16,1%, Mỹ giảm 3,2%).
TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI – Chi nhánh TP Cần Thơ, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho biết trước đây, thị trường XK cá tra truyền thống của Việt Nam là Mỹ và EU chiếm đến trên 55% thị phần. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây do bị ảnh hưởng của các rào cản kỹ thuật đã làm cho nhiều DN bỏ dần thị trường truyền thống giá cao này mà tập trung mở rộng XK sang thị trường dễ tính ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Arab... do các nước nói trên chưa đặt ra các rào cản kỹ thuật nghiêm khắc. Điều này làm cho giá trị XK cá tra gần đây giảm dần và rất đáng báo động.
Các DN chạy theo mở rộng XK ở các thị trường dễ tính mà bỏ các thị trường khó tính cũng đồng nghĩa với việc tăng sản lượng XK nhưng giảm chất lượng cũng như giá trị XK loại sản phẩm đặc thù này. Minh chứng là đến giữa tháng 9/2015, kim ngạch XK cá tra đạt 1,078 triệu USD, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, kim ngạch XK hai thị trường trọng điểm Hoa Kỳ giảm 3%, EU giảm 17%, Brazil giảm 42,9%...
Thực tế, không chỉ có hàng rào kỹ thuật (truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, vi sinh vật…), cá tra XK của Việt Nam còn phải đối đầu với các rào cản thương mại (thuế chống bán phá giá của Mỹ, nhãn đỏ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên…) cùng với tác động của các chính sách vĩ mô (thuế, tiền tệ…) tại nhiều thị trường.
Nhìn từ góc độ của DN chế biến, XK, ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) bày tỏ để giúp cho con cá tra giữ được giá bán tốt cũng như XK được nhiều nơi trên thế giới với giá cao cần phải được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng.
Hay nói như ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn (Cần Thơ): “Khi mình vào TPP, được hưởng lợi thế thuế suất bằng 0% thì tốt quá rồi. Nhưng mình không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của thị trường Mỹ, thị trường châu Âu thì cũng đồng nghĩa với chuyện họ không ăn cá của mình”.
Lâu nay, chất lượng vẫn là yếu tố hàng đầu để hàng hóa có tính cạnh tranh XK. Cái khó là gần như sản phẩm thủy sản nước ta chỉ XK thô nên hàm lượng giá trị thấp. Chưa dừng lại đó, sản phẩm tồn dư kháng sinh, không đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra. Thống kê từ ngành Hải quan, mỗi năm có đến hàng chục lô hàng thủy sản XK nước ta vi phạm về chất lượng và bị trả về.
Ông Võ Quốc Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6, thuộc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad - Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, qua kiểm tra chất lượng, Nafiqad phát hiện hàm lượng kháng sinh phổ biến như Enrofloxacin vượt mức cho phép rất nhiều.
Hơn nữa, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng hàng thủy sản XK chính là nguồn nguyên liệu. Song, một thực tế đáng quan tâm là phần diện tích nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL chủ yếu là nhỏ lẻ. Vì thế, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật để tạo ra nguồn nguyên liệu sạch rất hạn chế, đặc biệt là vấn đề về sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng.
Rất nhiều người nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… khi được chúng tôi hỏi đều lắc đầu cho biết họ không hề biết thuốc nào, kháng sinh nào cấm dùng, hạn chế dùng; và nhiều nơi, việc này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào DN kinh doanh mặt hàng này. Chính từ thực tế này mà mỗi khi tới mùa vụ, nhiều địa phương đã rất vất vả tuyên truyền, hướng dẫn để người dân không dùng kháng sinh vượt mức cho phép.
Để tận dụng cơ hội mới từ TPP, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cái gốc của vấn đề hiện nay là đòi hỏi sản phẩm thủy sản XK không chỉ chất lượng mà còn phải có giá trị cao. Để làm được điều này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến XK.