Mục tiêu của chương trình là từng bước hình thành tập đoàn giống thủy sản đa dạng, phục vụ nuôi trồng ở các vùng sinh thái nước ngọt, mặn, lợ; từng bước hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản hàng hóa nhằm chủ động đáp ứng đủ giống tốt, kịp thời vụ, đa dạng về giống loài thủy sản nuôi, phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.
Về giống nuôi nước lợ, mặn, chương trình đề ra chỉ tiêu đến năm 2015, sản xuất 35 tỉ con giống tôm, trên 500 triệu con giống giáp xác, trên 11 tỉ con giống nhuyễn thể.
Về giống nước ngọt, sản xuất trên 3,5 tỉ con giống tôm càng xanh, trên 700 triệu con giống cá da trơn, trên 500 triệu con giống rô phi đực đơn tính, trên 12 tỉ con cá giống khác.
Để hoàn thành chỉ tiêu nói trên, các tỉnh ĐBSCL sẽ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các trung tâm giống thủy sản; trong đó, xây dựng Trung tâm giống thủy sản nước ngọt miền Nam tại Cái Bè (Tiền Giang) đồng thời xây dựng 3 trung tâm giống hải sản cấp I tại Hòn Khoai (Cà Mau), thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Phú Quốc (Kiên Giang).
Một số tỉnh có bãi bồi cửa sông như Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh… phát triển cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể nhân tạo, đủ cung cấp cho nhu cầu nuôi trong vùng, giảm khai thác tự nhiên.
Các trung tâm giống thủy sản của các tỉnh sẽ được nâng cấp, xây dựng mới, bảo đảm đến năm 2015 mỗi tỉnh có một trung tâm giống thủy sản để tiếp nhận, nuôi dưỡng giống mới; tiếp nhận giống gốc, tiếp nhận, ứng dụng công nghệ mới và chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất giống hàng hóa. Trước mắt, ưu tiên nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá ba sa, tôm càng xanh, các giống bản địa qúi hiếm có thể xuất khẩu và các loài cá đồng cung cấp đủ cho nuôi xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Hiện nay, ĐBSCL cần hàng chục tỉ con tôm, cá giống mỗi năm, đặc biệt là tôm sú. Toàn vùng hiện có khoảng 1.500 cơ sở sản xuất thủy sản giống nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.