So với năm 2011, diện tích ao nuôi tăng 11,6% (5.300ha) nhưng tổng giá trị xuất khẩu giảm 2,2% do giá cá tra xuất giảm từ 0,2-0,4 USD/kg.
Để giúp người nuôi cải thiện chất lượng thịt cá thương phẩm, tránh tình trạng bị ép giá, giảm giá như hiện nay, các tỉnh khuyến cáo người nuôi mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra vì hình thức này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật nuôi “ba giảm ba tăng” trong thâm canh cá tra xuất khẩu.
Cụ thể “ba giảm” là giảm mật độ thả nuôi còn 25-30 con/m2 mặt nước; giảm sử dụng thuốc kháng sinh (chỉ sử dụng khi thật cần thiết); giảm xả chất thải trong ao nuôi ra sông rạch. “Ba giảm” nói trên sẽ tạo ra ba lợi ích (“ba tăng”). Đó là nhờ mật độ thả nuôi phù hợp với tập tính sống nên cá ăn mồi tốt hơn, cá lớn nhanh hơn, tăng sức đề kháng với bệnh tật, do đó chất lượng thịt cá tốt hơn.
Việc không sử dụng hoặc sử dụng ít thuốc kháng sinh khiến môi trường nước cũng như cơ thể cá không có cơ hội sinh sản ra vi khuẩn kháng thuốc, do đó người nuôi không cần tăng liều sử dụng cũng như thay đổi loại kháng sinh khác mạnh hơn.
Mức độ lưu tồn thuốc kháng sinh trong thịt cá sẽ giảm mạnh, thịt cá nguyên liệu sẽ đạt được độ an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ chất lượng nước ao nuôi sạch hơn nên chất lượng cá sẽ tốt hơn, bán được với giá cao hơn. Lợi nhuận tăng nhờ tiết giảm được nhiều khoản chi phí mua cá giống, mua thuốc phòng trị bệnh, thức ăn. Năng suất nuôi đạt bình quân 300 tấn/ha.
Hiện tại, một số địa phương thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ nuôi cá tra theo hình thức liên kết với doanh nghiệp đạt năng suất từ 320-340 tấn/ha, cao hơn năng suất chung trong vùng bình quân 48-68 tấn/ ha. Trừ hết chi phí, người nuôi thu lãi từ 700-900 triệu đồng/ha, chủ yếu nhờ năng suất cao.
Trong khi những hộ nuôi riêng lẻ thu lãi ít hoặc không có lãi vì năng suất không cao, giá cá tra nguyên liệu bán ra không ổn định, thường là thấp hơn giá thành.