Tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam với thị trường hơn 500 triệu người tiêu dùng tại EU. Đồng thời tạo ra những động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế… Bên cạnh những thuận lợi thì có rất nhiều thách thức, khó khăn đặt ra, đặc biệt về hàng rào kỹ thuật - một điểm hết sức lưu ý mà cộng đồng doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua.
Trước tiên là việc hai bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của WTO. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật. Tuy nhiên, EU có quan điểm khá cứng rắn về các vấn đề SPS và không có ý định hạ thấp các tiêu chuẩn này trong các FTA nên sẽ khó có ngoại lệ nào riêng cho Việt Nam.
Quy định SPS của EU nêu rõ, tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu sang thị trường này đều bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở biên giới theo hình thức kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 10% số lượng lô hàng. Tuy nhiên, nếu một lô hàng bị phát hiện có vấn đề về SPS thì 10 lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra toàn bộ một cách kỹ lưỡng.
Với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nước xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về SPS của EU trong quá trình nuôi trồng sản xuất. Và hàng xuất khẩu sang EU tuy không bị kiểm tra nghiêm ngặt như các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng cũng sẽ bị kiểm tra ngẫu nhiên bởi các nước thành viên trong quá trình nhập cảnh hoặc sau khi đã bán ra thị trường. EU cũng duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.
Theo chuyên gia Lê Vũ Thanh Tâm, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, giải pháp trước tiên được đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước chính là phát triển công nghiệp phụ trợ để đảm bảo yêu cầu về xuất xứ, hoàn thiện thể chế, phát triển năng lực công nghệ và quản lý…
Cùng với đó, các hiệp hội không chỉ bảo vệ quyền lợi cho toàn thể cộng đồng doanh nghiệp mà phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho từng doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là những vướng mắc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo hay hình sự hóa các quan hệ dân sự.
Ngoài ra, theo đánh giá của chuyên gia tại Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp cần phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả;
Thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ EVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; Phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường EU.