Theo thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp, nhất là các nhà máy chế biến thủy hải sản, hiện đội ngũ công nhân sản xuất đang giảm khoảng 40 - 50% do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và một số lý do khác.
Trước nhất là vấn đề di chuyển, vì thực hiện theo Chỉ thị 16 và một số văn bản hướng dẫn của địa phương, nhất là quy định về giãn cách, hạn chế đi 2 người trên một phương tiện giao thông. Quy định này khiến nhiều công nhân không thể đến nơi làm việc như hai vợ chồng làm cùng công ty mà trong nhà chỉ có một phương tiện. Hoặc công nhân ở cùng quê, cùng nhau đi làm để giảm bớt gánh nặng chi phí. Giờ không thể đi chung, không có phương tiện khác thì buộc phải ở nhà. Một vấn đề gây khó khăn, liên quan đến di chuyển nữa là quy định của tỉnh về hạn chế ra khỏi nhà từ 5 - 18 giờ. Trong khi hiện tại, nhằm đáp ứng theo kế hoạch sản xuất trong điều kiện thiếu công nhân, nhiều doanh nghiệp phải làm tăng ca, thì công nhân không thể về nhà trước 18 giờ nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện “mục tiêu kép”: vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì sản xuất - kinh doanh. Nhiều nhà máy ứ đọng nguyên liệu do thiếu công nhân, đứng trước nguy cơ trễ hạn hợp đồng với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp.
Một khó khăn khác là nguồn nguyên liệu trong tỉnh giảm mạnh do các hộ giảm mật độ nuôi, đại lý gặp khó khăn trong chuyên chở cung cấp thức ăn, thuốc xử lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó trong khâu thu gom, vận chuyển về đại lý, nhà máy và các nơi tiêu thụ. Trong khi nguồn nguyên liệu ngoài tỉnh nhiều và giảm giá mạnh nhưng doanh nghiệp bị vướng trong việc thu gom, vận chuyện về tỉnh do nhiều chốt kiểm soát chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời về các thông tin chỉ đạo mới ban hành. Đơn cử như việc tài xế xe vận chuyển phải test mẫu liên tục, công nhân đi sang tỉnh khác về phải cách ly tập trung, bị giới hạn thời gian kiểm tra (chỉ trong giờ hành chính), mẫu test cho người ra khỏi tỉnh không đủ, phải xếp hàng chờ. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn hơn, do nhiều nơi, nhất là các đại lý thu gom nguyên liệu ở các chốt chặn đòi hỏi nhiều loại giấy tờ; Quá trình vận chuyển không được địa phương và Ban quản lý chợ xác nhận “thẻ đi đường” khi lưu thông.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo tạo điều kiện trong khâu quản lý lưu trú tạm thời đối với người lái xe, phụ xe của các phương tiện vận tải hàng hóa; Chính phủ chỉ đạo không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR code còn thời hạn do ngành GT-VT cấp... Tuy nhiên, việc vận dụng và áp dụng vẫn còn chưa thống nhất, gây khó cho người lao động và các doanh nghiệp. Rất nhiều công ty, doanh nghiệp không đủ điều kiện, hoặc có điều kiện thì lại gặp khó trong xin phép xây dựng, lắp ráp nhà tiền chế nhằm thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, sản xuất) cho công nhân.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng có liên quan cần kịp thời hướng dẫn, tuyên truyền và triển khai đến tận các chốt kiểm soát đối với những quy định mới nhất của UBND tỉnh để thống nhất trong áp dụng, xử lý. Tránh tình trạng các chốt kiểm soát trở thành những nơi “cát cứ”, quan liêu, cứng nhắc và giải quyết sai tinh thần của Nhà nước ta về “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch. Và mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp chính là việc tỉnh cần nhanh chóng để các công ty, doanh nghiệp, cơ sở được tiếp cận với nguồn vắc-xin.