Gãy chuỗi giữa chừng
Chuỗi liên kết nuôi cá tra được thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc giữa 3 bên là, Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An, người nuôi và Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh An Giang. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, chuỗi bắt đầu đi vào hoạt động ổn định thì phía ngân hàng đột ngột dừng cung cấp vốn. Điều này đã khiến các hộ dân tham gia chuỗi điêu đứng vì không có tiền mua thức ăn cho cá.
Nguyên nhân của việc Ngân hàng bất ngờ dừng cung cấp tiền là khoảng tháng 11/2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An, đi công tác nước ngoài đến nay chưa về và mang theo số tiền hơn 80 tỷ đồng bán cá của nông dân tham gia chuỗi liên kết. Đây chính là nguyên nhân phá vỡ chuỗi liên kết, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh nợ nần, có những hộ phải nợ vài chục tỷ đồng, tài sản và toàn bộ quyền sử dụng đất bị ngân hàng niêm phong...
Các hộ dân đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Mặc dù, UBND tỉnh An Giang đã thành lập Tổ công tác 441 để xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết cá tra này nhưng xem ra vụ việc vẫn chưa thể giải quyết được.
Giải pháp nào
Mới đây, ngày 26/6, tổ xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết cá tra đã có buổi đối thoại với đại diện ba bên tham gia. Đại diện tổ xử lý 441, ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang khẳng định, trong vụ việc này, các hộ dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết không có lỗi và đã tuân thủ đúng nguyên tắc hợp đồng. Tuy nhiên, về phương án thấu tình đạt lý cho vấn đề này thì cần phải chờ. Tổ xử lý 441 sẽ có văn bản trình UBND tỉnh An Giang về nội dung buổi đối thoại, nêu rõ bản chất vấn đề. Từ đó, để UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong chuỗi liên kết.
Phía hộ dân tham gia chuỗi liên kết cho rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang đã chọn nhầm doanh nghiệp làm đầu mối; cùng đó là việc quản lý yếu kém của ngân hàng dẫn đến chuỗi liên kết bị đổ bể. Điều đáng nói, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết đều được sự đồng ý, chấp thuận của UBND tỉnh, nhưng khi vụ việc xảy ra, chính quyền chưa thực sự quyết liệt vào cuộc để giải quyết thấu đáo vấn đề, nên chẳng khác gì “đem con bỏ chợ”.
Ông Nguyễn Danh Cởn (huyện Thoại Sơn) đại diện cho các hộ tham gia chuỗi yêu cầu, trong danh sách 12 hộ trong chuỗi liên kết, có 2 hộ không nuôi cá mà vay 51 tỷ, việc vay đó là vay khống. Thứ hai, trong ngày 15/9, chưa đầy 2 tháng trước khi doanh nghiệp bỏ trốn, ngân hàng đã ký 2 hợp đồng giải ngân 496 tỷ, việc giải ngân đó có hợp lý không? Nguyên nhân nào làm cho đổ bể? Đổ bể từ khâu nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Chúng tôi đề nghị các cơ quan ban ngành xem xét thấu tình đạt lý, giải quyết đúng bản chất sự việc. Trong một chuỗi mắt xích có 3 thành phần, ai làm sai thì phải chịu, nông dân không làm sai tại sao phải trả nợ thay.
Theo chia sẻ của các hộ nuôi cá tra, Nhà nước sớm cần có biện pháp giúp những hộ dân bán cá cho doanh nghiệp thu được tiền, đồng thời cần tổ chức lại ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu theo hướng nông dân và doanh nghiệp cùng nhau hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã, có vậy ngành cá mới phát triển lâu bền.