Nuôi biển tích hợp đa ngành
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) phân tích, ngành nuôi biển phát triển bền vững là sự phát triển đa ngành, bởi nuôi biển tích hợp đa ngành. Trước hết, có thể thấy là kết hợp du lịch; phát triển nghề cá giải trí, du lịch biển trải nghiệm nuôi biển, thu hút du khách bằng loại hình du lịch mới.
Ngành nuôi biển phát triển cũng phát triển sản xuất và cung ứng vật liệu HDPE, composite. Phát triển ngành đóng tàu để chế tạo các loại thiết bị nuôi biển công nghiệp; xà lan phun thức ăn, tàu chuyên dụng, cano, sàn công tác. Ngành điện - cơ khí cũng phát triển để cơ giới hóa nuôi biển, phát điện bằng năng lượng mặt trời gió, sóng, thủy triều; lọc nước ngọt từ nước biển.
Đồng thời phát triển ngành tự động hóa để chế tạo thiết bị cho ăn tự động, kiểm soát môi trường biển real-time, camera ngầm. Công nghệ sinh học cũng phát triển để phục vụ men, vacxin, chế phẩm sinh học; công nghiệp chiết suất các chế phẩm sinh học cao cấp từ hải sản.
Cuối cùng ngành hóa chất phát triển để sản xuất tơ, lưới sợi, hóa chất nhuộm lưới chống bám bẩn sinh học và nhiều thiết bị phục vụ nuôi biển.
Giải pháp tiếp cận tổng hợp
Khi nuôi biển là ngành kinh tế tích hợp đa ngành nên mọi tiếp cận vấn đề cần sự tổng hợp. Với quan điểm tiếp cận tổng hợp, bàn về việc phát triển nuôi biển kết hợp du lịch để trở thành một ngành kinh tế, gia tăng thu nhập cho người dân, PGS.TS Phạm Quốc Hùng ở Trường Đại học Nha Trang đề xuất 4 giải pháp.
Công nghiệp hóa nuôi biển ở thị trưởng nước ngoài
- Thứ nhất là tham khảo các mô hình nuôi biển kết hợp du lịch ở các nước trên thế giới, vận dụng vào điều kiện Việt Nam.
- Thứ hai là cần có các mô hình thí điểm, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, tác động môi trường và hệ sinh thái. Du lịch và nuôi biển tương tác cả tích cực và tiêu cực lẫn nhau. Nuôi biển cần có chất lượng môi trường nước tốt, trong khi du lịch lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Thứ ba là xây dựng và bảo tồn được hệ sinh thái nuôi thủy sản trên biển nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và khai thác giá trị của các hệ thống nuôi và cảnh quan thiên nhiên.
- Thứ tư là cần trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành du lịch cho người nuôi biển và thứ năm là cần có quy hoạch tổng thể, mang tầm quốc gia. Công tác quy hoạch cần đi trước một bước thông qua điều tra, đánh giá và chỉ ra được khu vực nào dành cho nuôi biển, khu nào dành cho du lịch và khu nào dành cho mô hình kết hợp du lịch với nuôi biển.
Thực tế sinh động cần phát huy
Nước ta đã phát triển nuôi biển tại 3 trung tâm du lịch nổi tiếng ở Bắc, Trung, Nam rất có ý nghĩa. Đó là tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Các địa phương này vừa có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi biển vừa là những trung tâm du lịch nổi tiếng gần xa, đặc biệt là du lịch biển, đảo.
Ở tỉnh Quảng Ninh nuôi động vật thân mềm và cá biển bằng lồng bè phổ biến. Tỉnh Khánh Hòa nuôi tôm hùm lừng danh. Còn tỉnh Kiên Giang có thành phố Phú Quốc nuôi cấy ngọc trai khá nổi tiếng cả nước ngoài.
Quan điểm của PGS.TS Phạm Quốc Hùng: Việc tích hợp nuôi biển với du lịch nên tập trung phát triển theo hướng du lịch thể thao, giải trí, giáo dục và văn hóa hơn là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Các chương trình du lịch tại trang trại nuôi biển có thể lồng ghép với giáo dục bảo vệ môi trường và sinh vật biển, nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái, ý thức bảo tồn rạn san hô, hay các hoạt động câu cá giải trí, lặn với ổng thở xem cá nuôi, tham quan các hệ thống nuôi biển, tìm hiểu các mô hình sinh kế của người dân địa phương.
Chuyển từ thủ công sang công nghiệp
Mô hình tàu nuôi biển vùng khơi xa. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh việc tập trung chuyển từ nghề cá nhân dân (tự phát, manh mún, công nghệ lạc hậu, ngư dân là chủ thể) sang nghề cá thương mại (bền vững, liên kết, công nghệ cao, Doanh nghiệp là chủ thể ). Di chuyển từ nuôi trong các vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ, với công nghệ tuần hoàn (RAS) hoặc ở vùng gần biển bờ với hệ thu gom chất thải nuôi. Áp dụng IMTA (nuôi biển đa dưỡng tích hợp). Áp dụng các vật liệu mới, bền vững, thân thiện với môi trường. Tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển. Tăng cường cơ chế đồng quản lý (PPP) với hệ thống cảnh báo ô nhiễm môi trường, cảnh giới và đảm bảo an ninh nuôi biển.
Để nuôi biển phát triển cần ưu tiên nghiên cứu. Đó là, nghiên cứu các mô hình đánh giá sức tải môi trường làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phát triển công nghiệp nuôi biển. Nghiên cứu bảo vệ nguồn gen và phát triển đàn bố mẹ cho các loài hải sản bản địa có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và sinh sản tự nhiên một số loài hải sản (cá cam, cá ngừ vây vàng, cá tráp đỏ…). Nghiên cứu thức ăn công nghiệp đối với một số loài có giá trị cao (tôm hùm, cá cam, cá chình, cá tráp đỏ). Nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi trồng, chế biến rong biển và nhuyễn thể làm thực phẩm, sinh phẩm, dược phẩm. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, cơ khí hóa, tự động hoá, năng lượng mới… cho cơ sở công nghiệp nuôi biển.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, cần xây dựng mô hình công nghiệp nuôi biển. Cụ thể, cơ sở sản xuất giống công nghệ RAS tự động hóa. Nuôi hàu theo phương thức công nghiệp. Nuôi ngao trong ao/bể có bổ sung thức ăn bằng vi tảo, vi khuẩn và mùn bã hữu cơ. Trồng rong sụn trên vải. Công nghệ nuôi và phát triển sản phẩm chế biến cua biển. Các mô hình IMTA (đa canh kết hợp cá, nhuyễn thể, rong tảo). Cơ sở nuôi cá biển công nghệ cao (trang bị công nghệ IoT kiểm soát môi trường, cho ăn và cảnh báo bảo vệ tự động). Tàu nuôi cá biển ở vùng khơi. Nuôi biển kết hợp du lịch và điện gió biển.