Doanh nghiệp “dở khóc, dở cười”
Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) thuỷ sản Quảng Ninh có nhà máy chế biến thuỷ sản nằm tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Sản phẩm của Công ty xuất khẩu sang một số nước trên thế giới, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản. Bên cạnh đó, Công ty còn làm dịch vụ phục vụ cho việc bảo quản, sơ chế thuỷ sản của bà con tiểu thương ở chợ Hạ Long I, như: Cấp đông lạnh thuỷ sản, lưu trữ kho lạnh, cung cấp đá... Từ năm 2012, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo; đồng thời, UBND tỉnh cũng đã bổ sung quy hoạch di dời Công ty về khu vực phía Nam suối Lộ Phong, phường Hà Phong (TP Hạ Long). Thế nhưng đến nay, địa điểm này vẫn gần như là bãi nước mênh mông, chưa có mặt bằng nên Công ty không thể lập phương án di dời được.
Theo Giám đốc Công ty XNK Thuỷ sản Quảng Ninh Đỗ Quang Sáng, Công ty cũng đồng thuận di dời. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu của Công ty, địa điểm di chuyển đến phải phù hợp, thuận lợi, như: Có đường thuỷ, cảng tàu ra, vào được 24/24 giờ; giao thông đường bộ đủ cho xe container loại 40 feed lạnh đi vào được, và các hạ tầng khác như điện, nước... Nhưng đến nay, mặt bằng chưa có, nếu đến hết năm 2017 phải di dời như tinh thần Nghị quyết 13 thì lúc đó Công ty phải dừng sản xuất. Điều này sẽ làm Công ty mất các bạn hàng ở các nước.
Cũng vì địa điểm di dời mà từ năm 2008 đến nay, Công ty CP Chế biến thuỷ sản Cái Rồng ở thôn Đông Trung, xã Đông Xá (Vân Đồn) không thể mở rộng sản xuất, mặc dù sản phẩm nước mắm của Công ty luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Ông Lưu Văn Dỹ, Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2008, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn mời tôi lên, ra văn bản thông báo đơn vị không được xây dựng, đầu tư thêm vì sẽ phải di chuyển trước năm 2015. Từ đó đến nay, do luôn trong tình trạng phải di dời nên chúng tôi không dám đầu tư thêm thiết bị để áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và tăng số lượng sản phẩm, mặc dù đơn vị nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, Công ty chỉ dám duy trì sản lượng 450.000 lít nước mắm/năm. Thậm chí khi được các cơ quan chức năng tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác, Công ty không dám tham gia vì sợ khi có thêm khách hàng, Công ty sẽ không đủ sản phẩm cung cấp. Đến nay, Công ty cũng chưa có địa điểm để di dời.
Sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc di dời hoặc tìm địa điểm xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản. Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thuỷ sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở chế biến thuỷ sản được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tập trung ở các địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở này theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 6-5-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do, dù các địa phương đã quy hoạch địa điểm để di dời các cơ sở đến, nhưng đến nay, các điểm này đều không đủ điều kiện. Cụ thể như ở Vân Đồn, điểm quy hoạch là ở thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết, nhưng khu vực này hiện chưa có hạ tầng giao thông, chưa có cảng biển, điện, nước... Còn điểm quy hoạch của TP Hạ Long là ở khu vực phía Nam suối Lộ Phong, phường Hà Phong, nhưng đến nay nơi này hầu như mới là bãi nước, chưa san gạt mặt bằng... Theo các địa phương, các khu quy hoạch này không chỉ dành riêng cho các cơ sở chế biến thuỷ sản mà còn để di dời nhiều cơ sở sản xuất ở các lĩnh vực khác về nên việc đầu tư xây dựng phải bài bản, đầy đủ, điều này phụ thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn cụ thể của các sở, ngành liên quan.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thuỷ sản được khoảng 80.500 tấn. Trên địa bàn cũng hình thành rất nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ thuỷ sản mới chỉ ở dạng thô. Để thuỷ sản phát triển bền vững, việc tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến thuỷ sản phát triển sản xuất là rất quan trọng. Bởi vậy, cần nhanh chóng có mặt bằng để các cơ sở ổn định, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giúp người dân tiêu thụ nhanh hơn sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt trên địa bàn.