Sứa nước là động vât nổi, thuộc ngành ruột khoang, sống trôi nổi ở dạng ấu trùng. Chúng có cơ thể hình dù, miệng ở dưới. Sứa nước là động vật ăn thịt nhưng thụ động, thông qua ống miệng nằm giữa cơ thể. Chúng ăn các loài giáp xác, sinh vật phù du, trứng cá, các con cá nhỏ hay thậm chí những con sứa khác.
Ao nuôi tôm là một trong những môi trường thuận lợi cho sứa phát triển. Nếu xuất hiện nhiều sứa nước trong ao nuôi tôm, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôm. Bên cạnh đó gây thêm nhiều hậu quả khác như ngộ độc, tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi.
Thông thường, sứa hiện diện trong ao là do quá trình cấp nước vào ao qua lưới lọc, vì kích thước trứng sứa rất nhỏ, khi trứng nở sẽ là tác nhân hàng đầu cạnh trang với các loại thức ăn của tôm.
Những tác hại của sứa nước cho ao nuôi
Khi trứng sứa vào ao và nở ra, chúng sẽ gây ra một số hạn chế như sau:
- Sứa tiết ra chất nhày làm giảm khuếch tán oxy trong nước.
- Các chất nhày này bám vào thức ăn của tôm làm suy giảm khả năng bắt mồi của tôm.
- Sứa tiết ra chất độc làm tôm suy yếu hoặc chết hàng loạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất vụ nuôi.
Sứa tiết ra chất nhày bám vào thức ăn tôm
Biện pháp tiêu diệt sứa khi ao đang cải tảo
Do sứa xâm nhập vào ao được nhờ đi theo nguồn nước cấp, chính vì vậy chúng ta cần nên xử lý trực tiếp lên nguồn nước trước khi cho vào ao nuôi. Có hai cách hạn chế trứng sứa vào ao đó chính là cách truyền thống và cách sử dụng hóa chất chuyên dụng.
Đối với cách truyền thống:
Cách này được rất nhiều người nuôi áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt trong vụ nuôi. Đó chính là sử dụng một tấm lưới chắn trước quạt nước. Nguyên lý hoạt động của phương pháp dùng lưới cũng khá đơn giản, khi quạt nước hoạt động sẽ tạo nên dòng chảy, sứa và trứng sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy va đập vào lưới. Lúc này trứng sứa sẽ bị vỡ và một số dính vào lưới.
Đối với cách sử dụng hóa chất:
Người nuôi có thể sử dụng các thuốc diệt sứa nước chuyên dụng được bán trên thị trường để diệt sứa nước. Ví dụ như CuSO4, vào lúc trời nắng. An toàn hơn có thể dùng PAC cho 1000 m3 nước. Lưu ý sau khi sử dụng cần cấy vi sinh gây màu cho ao lại và sau 3-7 ngày mới xuống giống.
Biện pháp tiêu diệt sứa khi ao đã có tôm
Nếu quá trình xử lý nước ban đầu không hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả một phần. Sau một thời gian thả giống thì phát hiện sứa tiếp tục có mặt trong ao, nhưng ao có tôm cần diệt theo cách như sau để đảm bảo an toàn cho tôm phát triển ổn định.
- Cách 1 : Người nuôi có thể sử dụng cách truyền thống là giăng lưới trước dàn quạt. Theo cách này thì cần vệ sinh lại lưới 4-5 ngày/lần để ao nuôi luôn sạch sẽ, tôm không ăn phải sứa gây hại.
- Cách 2: Sử dụng hóa chất diệt sứa với liều lượng phù hợp mật độ ao nuôi có tôm. Bà con có thể đánh 1 chai PAC cho 1000m3 nước vào lúc sáng sớm 7-8h, sau đó khoãng 11h đánh thêm 5 lít Detoxin. Sau đó, buổi tối cần nên bổ sung vi sinh cho ao nuôi ổn định.
Sứa đi vào ao khi còn là trứng, có kích thước nhỏ khó thấy
Làm sao để ngăn ngừa sứa nước trong ao nuôi tôm
Để ngăn ngừa sứa nước trong ao nuôi tôm quý bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Cải tạo ao nuôi và diệt khuẩn tốt bằng cách tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa.
– Tiến hành bón vôi nông nghiệp, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết các loại trứng sứa, ấu trùng còn sót lại.
– Khi cấp nước vào ao chứa cần sử dụng vải thật dày (may hai lớp) để ổn định trong vài ngày.
– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các chỉ số môi trường nước ao nuôi.
– Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi, đem đến môi trường tốt nhất cho tôm phát triển.
Sứa nước gây hại trực tiếp lên tôm, gây trở ngại cho quá trình phát triển và tăng trưởng của tôm. Chính vì vậy, bà con nên lưu ý kiểm tra và xử lý sứa một cách triệt để nhất có thể.