Theo đó, mức lãi suất cấp bù do thực hiện chính sách tín dụng cho các ngân hàng thương mại được quy định như sau:
- Đối với năm đầu tiên (12 tháng), tính từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP: Mức lãi suất cấp bù là 7%/năm. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thấp hơn 7%/năm thì mức lãi suất cấp bù là lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
- Từ năm thứ 2 trở đi của hợp đồng tín dụng, mức lãi suất cấp bù là chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng thương mại cho vay và lãi suất chủ tàu phải trả theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thấp hơn 7%/năm thì lãi suất cho vay làm căn cứ cấp bù là lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 117/2014/TT-BTC về tiêu chí phân loại cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão:
- Phân loại cảng cá: thực hiện theo quy định tại điểm 1 khoản IV Điều 1 Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Phân loại các khu neo đậu tránh trú bão: thực hiện theo quy định tại điểm 2, điểm 3 khoản IV Điều 1 Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Thông tư số 117/2014/TT-BTC về hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ như sau: Đối tượng được hỗ trợ là đơn vị được lựa chọn, đặt hàng thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/3/2016.