Làng nghề đóng xuồng, ghe tại xã Long Hậu đã tồn tại hàng trăm năm và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nơi đây từng có hơn 150 hộ dân và cơ sở đóng xuồng, ghe, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Vài năm trở lại đây, con nước lũ thất thường nên xuồng, ghe tiêu thụ giảm. Số hộ dân, cơ sở sản xuất duy trì nghề truyền thống này cũng giảm dần theo thời gian. Thống kê của UBND xã Long Hậu, hiện toàn xã còn khoảng 80 hộ gia đình, cơ sở duy trì hoạt động đóng và kinh doanh xuồng, ghe.
Theo các cơ sở đóng xuồng, ghe tại xã Long Hậu, khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, đơn hàng đặt mua xuồng, ghe tăng gấp 2, 3 lần so với bình thường nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Nhiều loại xuồng như: xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá, xuồng cui, các loại ghe chài, ghe tam bản được khách hàng trong tỉnh và các địa phương vùng Tây Nam bộ ưa chuộng. Những tháng qua, trước tác động của dịch Covid-19, các cơ sở đóng xuồng, ghe cũng dừng hoạt động trong thời gian dài. Gần 2 tuần trở lại đây, địa phương cũng nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều cơ sở “rục rịch” tái hoạt động, nhưng lượng khách đến mua xuồng, ghe vẫn rất hạn chế.
Sau gần 3 tháng đóng cửa để phòng dịch Covid-19, Cơ sở đóng xuồng, ghe Thanh Hải (ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) mở cửa trở lại gần 10 ngày qua. Hàng chục chiếc xuồng, ghe các loại với kích thước từ 1-1,4m vẫn trong tình trạng “trùm bạc” vì chưa có người đặt mua. Do xuồng, ghe đóng sẵn chưa có đầu ra, cũng như không nhận được các đơn đặt hàng mới nên cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng với 4-5 thợ/ngày nhằm giảm thất thoát chi phí đầu tư. Bà Lê Kim Lan – chủ cơ sở đóng xuồng, ghe Thanh Hải cho biết: “Sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh, chúng tôi phấn khởi khi được phép mở cửa phục vụ. Dù vậy đến nay, cơ sở vẫn chưa bán hàng, nhân công cũng được cho nghỉ hơn 50% nhằm giảm chi phí. Giờ đã gần cuối tháng 8 âm lịch, nước cũng bắt đầu lên ở đầu nguồn nhưng hàng không xuất bán được. Hy vọng những ngày tới sẽ có nhiều người đến đặt hàng để những cơ sở đóng xuồng, ghe vượt qua giai đoạn khó khăn này...”.
Là người gắn bó với nghề đóng ghe, xuồng hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Sẹ ngụ ấp Long Hòa, xã Long Hậu không khỏi trăn trở với tình hình sản xuất “đìu hiu”, trong khi người mua hầu như vắng bóng. Ông Sẹ chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, nước lũ về muộn và ngày càng thấp nên nghề đóng, xuồng ghe cũng không còn nhộn nhịp như trước. Năm nay cũng không ngoại lệ. Cộng thêm dịch bệnh kéo dài và các quy định phòng, chống dịch, người dân ngại đi lại nên khó bán xuồng, ghe hơn”.
Không chỉ xuồng, ghe phục vụ nhu cầu đi lại, đánh bắt thủy sản giảm mạnh, các cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng ghe, xuồng mini cung cấp cho điểm du lịch, nhà hàng cũng gặp khó. Theo ông Nguyễn Văn Tốt - nghệ nhân chuyên làm xuồng, ghe mini tại xã Long Hậu, các loại xuồng ghe mini cũng được nhiều người tìm mua, thị trường chủ yếu là các điểm du lịch, nhà hàng để trang trí hoặc trưng bày thức ăn. Tuy nhiên, năm nay lượng đơn hàng của bà con làng nghề gần như không có vì hàng quán, khu, điểm du lịch đều đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Vì dịch bệnh nên các cơ sở không sản xuất được, có người làm xong không đi giao được, rồi hủy cả đơn hàng. Sau vài tháng đóng cửa, hiện dù bắt đầu hoạt động trở lại nhưng chi phí nguyên liệu và nhân công tăng, nên hầu hết bà con chỉ sản xuất cầm chừng...
Bà Trần Thị Cẩm Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho biết: “Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, toàn xã có khoảng 20 hộ, cơ sở đóng xuồng, ghe đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, qua khảo sát nắm tình hình, đa số các hộ đều gặp khó khăn khi hàng tiêu thụ chậm vì nước lũ thấp, cũng như việc đi lại giữa các huyện, thành phố hay từ tỉnh này sang tỉnh khác hầu như không thể. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu (gỗ) phải mua ở địa phương khác nên cũng gặp trở ngại trong khâu vận chuyển... Từ ngày 1/10, toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, việc di chuyển cũng giảm khắt khe. Những hộ dân, cơ sở đóng xuồng, ghe hy vọng sẽ thuận tiện hơn trong việc nhập nguồn nguyên vật liệu, cũng như xuồng, ghe tiêu thụ khá hơn, góp phần giải quyết khó khăn sau thời gian dài đóng cửa chống dịch...”.