Các doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây cho biết liên tục xét nghiệm công nhân để kịp thời bóc tách F0. Tuy nhiên, địa phương cho rằng chính một số doanh nghiệp làm lây lan dịch bệnh.
Ngày 19/11, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) nhận được văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Châu Thành về việc một số công nhân gây lân lan dịch bệnh.
Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại địa phương này diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm nCoV tăng nhanh với nhiều ổ dịch tại các xã, thị trấn. Số F0 từ 30/9 đến nay chiếm gần 95% ca nhiễm của toàn huyện.
“Qua điều tra, truy vết, xét nghiệm sàng lọc, nhận thấy nhiều ổ dịch được phát hiện qua các ca có liên quan đến công nhân làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp. Đồng thời, từ các ổ dịch ngoài cộng đồng, phát hiện có nhiều trường hợp công nhân là F1 không được cách ly mà được công ty cho về nhà nghỉ tạm thời và không thông báo chính quyền địa phương”, văn bản nêu.
Trong văn bản này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Châu Thành nêu tên một số công ty thủy sản gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tâm lý công nhân của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để tạo thành “pháo đài” trong chuỗi sản xuất tôm.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, doanh nghiệp luôn chủ động các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài việc đầu tư máy xét nghiệm RT-PCR, doanh nghiệp từ chối làm việc trực tiếp với các chuyên gia và đối tác nước ngoài; các tài xế phải tuân thủ quy định “một cung đường 2 điểm đến”.
Tuy nhiên, từ khi các tỉnh mở cửa, F0 cộng đồng xuất hiện nhiều khiến “pháo đài” của các doanh nghiệp bị đe dọa. Doanh nghiệp sản xuất tôm này vẫn chấp nhận tốn kém chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch.
Công ty Thủy sản sạch Việt Nam test nhanh cho công nhân. Ảnh: Nhật Tân.
“Sự nỗ lực của doanh nghiệp vẫn không đủ nếu gia đình của lao động để xảy ra F0. Vì vậy, các nhà máy đang giúp địa phương tầm soát, bóc tách F0, không để thành ổ dịch. Đây là nỗ lực lớn của doanh nhiệp và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng”, ông Phục nói.
Tại Công ty Thái Hòa trong khu công nghiệp An Nghiệp, 100% công nhân được xét nhiệm nCoV xoay vòng trong 3 ngày. Những công nhân xin nghỉ 1-2 ngày, khi quay lại đều được test nhanh, giúp doanh nghiệp bóc tách 8 F0 lây nhiễm từ cộng đồng.
“Chúng tôi liên tục sàng lọc, bóc tách F0 nhưng khi có ổ dịch bên ngoài thì địa phương lại đổ lỗi cho chúng tôi. Những lần phát hiện F0, chúng tôi đều báo cho địa phương để truy vết, dập dịch nhưng lại bị cho là làm lây lan dịch”, lãnh đạo Công ty Thái Hòa nói.
Bên ngoài khu công nghiệp An Nghiệp, Công ty TNHH Khánh Sủng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã rút ngắn tần suất xét nghiệm cho công nhân từ 5 ngày xuống 3 ngày một lần. Từ đó, Khánh Sủng bóc tách được 2 F0 qua sàng lọc người lao động trước khi vào nhà máy.
Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng - cho biết nhờ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nên doanh nghiệp đạt được mục tiêu kép. Hiện, công ty đã đạt được gần 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu đã đề ra trong năm 2021.
Theo ông Tuấn, giá tôm thẻ kích cỡ lớn đang đi ngang, không có dấu hiệu tăng thêm. Tôm thẻ loại 20 con/kg giá 240.000 đồng, 30 con/kg 168.000 đồng, 40 con/kg 148.000 đồng. Khánh Sủng và các doanh nghiệp ở miền Tây đang tập trung sản xuất để đảm bảo đủ đơn hàng giao cho đối tác trong dịp Noel sắp tới.
Còn ông Lưu Trường Giang, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết giá tôm chỉ tăng đối với kích cỡ 50-100 con/kg.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thanh Trong, Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói rằng các tỉnh đang thích ứng với dịch Covid-19, nên địa phương không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp làm lây lan dịch bệnh. Theo ông Trong, nhờ các doanh nghiệp làm tốt công tác phòng, chống dịch nên Sóc Trăng đang đạt được mục tiêu kép.