Trong khi thời gian gia hạn lần 1 thông tư số 03/2012-TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là thông tư 03) về việc cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay vốn bằng ngoại tệ sắp kết thúc (cuối tháng 12), thì đề xuất gia hạn lần 2 (xin kéo dài đến hết 2013) của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Ngân hàng Nhà nước.
“Dài cổ” chờ thông tư 03
Theo đó, ngày 2-5-2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 857/QĐ-NHNN cho phép lùi thời gian được vay ngoại tệ đến hết ngày 31-12-2012, thay vì đến ngày 2-5-2012 (theo thông tư số 03/2012-TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành).
Tuy nhiên, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep, cho biết do tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản trong nước còn gặp nhiều khó khăn nên đề xuất tiếp với Ngân hàng Nhà nước được lùi thời hạn áp dụng đến hết năm 2013.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở những nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia…họ được vay ngoại tệ với lãi suất rất thấp (3-5%/năm), trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vay tiền đồng lãi suất rất cao, 11 - 13%/năm, cho nên khả năng cạnh tranh thấp. Vì vậy, chúng tôi mong muốn phía ngân hàng tiếp tục gia hạn được vay ngoại tệ đến hết năm tới”, ông Thiện cho biết.
Thế nhưng, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết đến nay dù đã gần hết thời gian gia hạn lần 1 theo thông tư số 03 rồi nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chấp thuận gia hạn lần 2 từ phía Ngân hàng Nhà nước.
“Đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy Ngân hàng Nhà nước có văn bản phản hồi chính thức gì cả, đang lo đây, không biết sao nữa đây?”, ông Hòe nói.
Lý do chính để Vasep đề xuất với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn thông tư 03 nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp cận được ngồn vốn vay ngoại tệ giá rẻ, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho gia hạn thông tư 03, nghĩa là để ngân hàng thương mại tiếp tục cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay vốn bằng ngoại tệ. Từ đó, người ta (doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản - pv) có khả năng tiếp cận được nguồn vốn rẻ phục vụ sản xuất”, ông Hòe cho biết.
Sản xuất tiếp tục khó
Dù chưa biết Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định ra sao nhưng tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là đối với cá tra đang tiếp tục gặp khó khăn.
Theo Vasep, tính đến giữa tháng 11, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ mới đạt trên 5,3 tỉ đô la Mỹ, tức còn thấp hơn khoảng 900 triệu tỉ đô la Mỹ so với mức dự báo 6,18 tỉ đô la Mỹ đạt được trong năm 2012 (mức dự báo mới được hạ xuống thời gian gần đây) và thấp hơn khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ so với con số dự báo 6,5 tỉ đô la Mỹ được đưa ra hồi đầu năm, trong đó, cá tra chỉ mới trên 1,5 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức dự báo 1,8 tỉ đô la Mỹ đến 300 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Hòe, tình hình xuất khẩu gặp khó khăn do thắt chặt tín dụng ở châu Âu; rào cản kỹ thuật Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản… là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó, không đạt được kế hoạch đề ra.
Riêng đối với hoạt động nuôi cá tra trong nước, hiện người nông dân tiếp tục chịu lỗ do giá bán xuống dưới giá thành sản xuất.
Cụ thể, Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cho biết trong tuần qua giá cá tra nguyên liệu tiếp tục sụt giảm so với mức giá ở tuần trước đó và hiện chỉ còn dao động từ 21.500 – 23.000 đồng/kí lô gam, tùy nơi và hình thức thanh toán.
“Trong khi giá thành sản xuất đang ở mức 24.000 – 24.500 đồng/kí lô gam, thậm chí đến 25.000 đồng/kí lô gam mà giá bán cao nhất chỉ 23.000 đồng/kí lô gam, thì người nuôi nắm chắc phần lỗ thôi”, ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên AFA cho biết.
Theo ông Hải, nếu Ngân hàng Nhà nước không đồng ý gia hạn thông tư 03 lên nữa, đầu năm 2013 tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao, từ 11-13%/năm. Lãi suất vay ngoại tệ thấp như hiện nay mà doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nếu lãi suất cao hơn thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nữa.
“Do vậy, bắt buộc doanh nghiệp sẽ phòng thủ hơn, một là thu hẹp kinh doanh hơn nữa, không dám mua nguyên liệu của người nông dân để dự trữ; hai là, khi mua nguyên liệu doanh nghiệp sẽ tính chi phí trừ vào giá mua để bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp không bị thua lỗ, làm giá bán của nông dân sẽ thấp hơn nữa”, ông Hải cho biết.