Ông Ngô Quý Nhâm, Trưởng nhóm tư vấn chiến lược OCD
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Quý Nhâm, Trưởng nhóm tư vấn chiến lược của công ty OCD cho biết nguyên nhân chính khiến rất nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện lâm vào tình thế khó khăn là do đầu tư theo phong trào, chưa xác định được đâu là nhóm khách hàng chủ đạo cần hướng tới và đâu là sản phẩm chủ lực tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình trên thị trường.
Theo ông Nhâm, do sự khác biệt về nhu cầu được chi phối bởi nhân khẩu học, văn hóa… các sản phẩm cũng phải có sự điều chỉnh để phù hợp với các nhóm yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn chưa chú trọng vào điều này mà chỉ tập trung vào những thứ mình có.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện tập trung vào các khâu sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị, lại không xác định được lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Cạnh tranh bằng giá rẻ nhưng lại không trên nền tảng giá thành thấp. Sự đầu tư còn mang tính bắt chước, thấy người khác làm được cũng lao vào đầu tư làm và cạnh tranh trên lương nhân công thấp. Khi thị trường có biến động lớn như thị trường co hẹp, ngân hàng siết chặt vốn vay và giá đầu vào tăng cao, doanh nghiệp đi đến chỗ “chết lâm sàng”.
Ông Nhâm cho biết so với các quốc gia trên thế giới trong xếp hạng về lợi thế cạnh tranh và bản chất của lợi thế cạnh tranh thì các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay đang ở vị trí rất thấp. “Trong những năm trước, Việt Nam đứng ở vị trí khoảng 125 trên 131 quốc gia, gần đây vị trí này đã được cải thiện nhưng vẫn ở vị trí 90/131 quốc gia. Đây là một vị trí rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực”, ông Nhâm nói.
Bà Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP
Bà Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP cho biết để đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012 là một thách thức không nhỏ trong tình hình khó khăn chồng chất như hiện nay. Theo bà Minh, để ngành thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn này, cần tái cấu trúc toàn bộ từ doanh nghiệp xuất khẩu đến người nuôi, quy hoạch, quản lý… Đồng thời sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi - nhà cung cấp thức ăn - doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.