Ông Vàng Seo Mùa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thải Giàng Phố cho biết: Trước đây, người dân từng nuôi cá chép ruộng nhưng quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Với đặc thù vùng cao, phụ thuộc vào nước mưa nên mỗi năm bà con chỉ cấy 1 vụ lúa, còn lại bỏ hoang. Nhận thấy giống cá chép địa phương thích nghi với đồng ruộng, Hội Nông dân xã đã triển khai mô hình nuôi cá chép ruộng xen kẽ cấy lúa, phổ biến về kỹ thuật chọn giống, nuôi và chăm sóc cá trên ruộng đến từng hộ tham gia mô hình. Từ đó, nhiều hộ trong thôn mạnh dạn đầu tư nuôi cá chép ruộng, bước đầu cho thu nhập cao, giá bán trên thị trường dao động khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi cá chép ruộng ở xã Thải Giàng Phố đem về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho người dân. Ảnh: baolaocai.vn
Ngay sau khi lúa được cấy, hàng trăm con cá chép giống được thả vào ruộng bậc thang. Khi thả cá chép được 3 - 4 tháng, thời điểm lúa chín rộ (khoảng tháng 10) cũng là lúc người dân rút nước ruộng để thu hoạch lúa và bắt cá. Loại cá phù hợp nuôi trong ruộng lúa là giống cá chép địa phương, khi thu hoạch có trọng lượng khoảng 0,5 - 0,6 kg/con. Ước tính với diện tích khoảng 1 ha, người dân thu khoảng 25 triệu đồng từ nuôi cá chép ruộng.
Anh Giàng Seo Páo, Trưởng thôn Nậm Thố cho biết: Nuôi cá chép ruộng rất đơn giản, không cần chăm sóc nhiều, quan trọng nhất là nguồn nước sạch. Tận dụng thời gian cây lúa trổ đòng, phấn của hoa lúa và sau này là những hạt thóc rụng xuống là nguồn thức ăn cho cá. Cá chép còn giúp hạn chế một số loài sâu, bọ gây hại cho lúa.
Cá chép nuôi trong ruộng lúa có thịt săn chắc, thơm ngon, vị đậm, là món ăn đặc sản của người dân vùng cao và nhiều du khách khi tới Bắc Hà.
Từ chỗ tạo nguồn thực phẩm cho gia đình ở vùng cao, mô hình nuôi cá chép ruộng đã phát triển thành hàng hóa. Trong cùng một thời gian, người dân ở Nậm Thố vừa được thu hoạch lúa, vừa thu hoạch cá chép, mang lại hiệu quả kép, giúp người dân tăng thu nhập.