Cây giấm, còn gọi bụp giấm hay cẩm thanh là loại cây hoang dại mọc khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một loại cây có tác dụng rất tốt với sức khỏe con người, lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát…dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp... Ngoài ra, trái giấm còn là thứ gia vị không thể thiếu trong nồi canh chua cá lóc truyền thống của người miền Tây.
Nguyên liệu nấu món ăn gồm có rau muống, khóm (dứa), đậu bắp, và trái giấm. Rau muống bỏ bớt lá, ngắt thành từng đoạn ngắn, ngâm trong nước muối pha và rửa lại bằng nước sạch. Dứa gọt bỏ vở, thái thành từng miếng vừa ăn, đậu bắp thái khúc, tách lấy phần vỏ trái giấm, rửa sạch để ra tô.
Cá lóc để nấu canh muốn ngon phải là loại cá lóc đồng, tuy nhiên, ngày nay thì rất hiếm, đa phần là cá lóc nuôi nên thịt không được ngọt và chắc. Lựa những con cá lóc còn sống, to khoảng bằng cổ tay là được. Làm sạch cá, cắt làm đôi, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi nước lên bếp nấu sôi và cho vỏ trái giấm vào nấu mềm.
Canh chua cá lóc nấu trái giấm có vị chua thanh ngon miệng. Ảnh: T.L.
Nêm gia vị cho nước dùng có vị chua thanh đậm đà là được. Tiếp đến cho cá lóc vào nấu chín. Khi nước sôi lại, cho tiếp các loại rau vào, nêm lại gia vị và tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc lên bề mặt một ít hành lá, ngò om thái nhỏ cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi thơm. Ăn canh chua cá lóc nấu trái giấm không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất. Trong những ngày trời nắng nóng, vị chua thanh của món ăn không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho gia đình bạn.