Theo chân những người cào lưới cá trên sông Tiền, chúng tôi mới hiểu được phần nào nghề đầy nguy hiểm, bấp bênh trong cuộc mưu sinh của họ.
Đời người gắn với dòng sông
Cũng như những người mưu sinh trên các vùng sông nước khác, những người mưu sinh theo con nước trên sông Tiền có nhiều hình thức: Chài, đánh lưới và cào... Những người khấm khá sắm ghe lớn cào cá, người ít tiền thì đầu tư lưới chài, kế đến là đánh lưới thuê…
Chiều cuối tuần, cơn mưa bất chợt đổ xuống. Dưới đoạn sông gần cầu Rạch Miễu, trong làn mưa nghiêng nghiêng, thấp thoáng một con thuyền chòng chành vươn ra giữa dòng sông. Trên thuyền là người đàn ông trùm áo mưa vội vã thả lưới. Đó là chú Nguyễn Văn Ba (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) có gần 30 năm chài lưới trên sông Tiền.
Chú Ba chia sẻ: “Thường ngày chú thả lưới đoạn sông từ đầu cồn Thới Sơn đến Vàm Kỳ Hôn, có khi đến vàm An Hóa của tỉnh Bến Tre. Thời gian gần đây, cá, tôm ngày càng ít, nên mỗi chuyến thả lưới chú kiếm được không là bao, có khi không đủ tiền dầu. Có hôm may mắn trúng cá thì có thu nhập khá. Dù sao cũng nhờ nghề đánh bắt cá này mà vợ chồng chú đã nuôi 2 đứa con nên người, có việc làm, thu nhập ổn định, không lênh đênh trên sông nước như vợ chồng chú. Đối với chú như thế là đủ”.
Chờ cho cơn mưa bớt nặng hạt, vợ chồng chú Lương Văn Y và cô Huỳnh Thị Cho (ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) cũng vội vàng cho ghe ra gần giữa sông để thả lưới. Vợ chồng chú Cho cũng có thâm niên gần 20 năm gắn bó duyên nợ cùng dòng sông này. Làm nghề đánh bắt cá nên cuộc sống gia đình chú nương nhờ cả vào sản vật của dòng sông này, đói no phụ thuộc vào từng con nước. Cá đánh bắt được bán cho bạn hàng, bán tại các chợ trong khu vực ghe neo đậu.
Sông nước là nhà, bạn hàng ở các chợ cá ven sông Tiền là bạn, dù sáng, trưa hay chiều, khi các ghe cào cá chuẩn bị về, các bạn hàng đã tập kết trước để chuẩn bị mua cá tươi mang về các chợ bán.
Những mái nhà trên sông
Ăn, ngủ, sinh hoạt và đánh cá chỉ trên một chiếc ghe từ tháng này qua năm nọ là cảnh thường thấy của những ngư dân làm nghề chài lưới dọc bờ kè sông Tiền thuộc phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với họ, ghe thuyền là nhà, sông nước là đất ở, quanh năm quây quần trên sông nước lênh đênh.
20 năm qua, gia đình chú Y, cô Cho lênh đênh trên chiếc ghe gỗ mỏng manh này, đối với cô chú, chiếc ghe là mái nhà che nắng, che mưa bao nhiêu năm qua.
Vợ chồng chú Vũ và cô Kiềng bán cá cho khách tại bến đò Bình Đức.
Chú Y cho biết: “Ở quê chỉ có cái nền nhà, không đất sản xuất. Vợ chồng chú đi làm thuê, làm mướn kiếm sống, cuộc sống ngày càng chật vật, khó khăn hơn khi các con ra đời. Thấy nhiều người đi làm nghề đánh bắt cá mà có tiền lo cho con ăn học, cô chú quyết định mượn tiền mua chiếc ghe nhỏ bắt đầu làm nghề đánh cá. Trước đây, cá, tôm nhiều, một ngày vợ chồng chú bắt cá bỏ mối cho các tiểu thương trên các chợ cũng được vài trăm ngàn đồng. Những năm gần đây, một ngày nhiều lắm vợ chồng chú cũng chỉ bắt cá bán được hơn 200 ngàn đồng”.
Còn cô Cho bày tỏ: “Chiếc ghe này là mái nhà của 5 người trong gia đình. 3 đứa con của cô chú từ khi sinh ra đã cùng ba mẹ rong ruổi, mưu sinh trên dòng sông này. Lớn lên một chút, cô chú lên bờ gửi các con đi học. Hằng ngày, các con lên bờ đến trường, đêm đến chúng lại theo chân ba mẹ ngược xuôi theo từng con nước để thả lưới. Hiện tại, 2 đứa lớn đang làm công nhân, đứa nhỏ đang học lớp 10”.
Hằng ngày cô chú thả lưới đánh bắt tôm, cá dọc tuyến sông từ Vàm Kỳ Hôn đến đoạn Phú Túc, tỉnh Bến Tre. Chiều xuống, chiếc ghe của cô chú thường đậu trong con rạch ngay chân cầu Bình Đức. “Ở trên ghe riết rồi cũng quen” - cô Cho bảo.
Nằm cặp bờ kè sông Tiền, đối lập với cảnh ồn ào, nhộn nhịp trên bờ là cảnh bấp bênh, rày đây mai đó của những người dân mưu sinh đánh bắt cá kiếm sống trên khúc sông này. Cuộc sống trên bờ và cuộc sống dưới sông chỉ cách nhau vài bước chân nhưng dường như họ đang tồn tại ở một thế giới khác hẳn.
Trọn 30 năm qua, chiếc ghe là mái nhà che mưa, che nắng và dòng sông này là nơi neo đậu lại để vợ chồng ông Lý Văn Mí và bà Hà Thị Tú (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nổi trôi với cuộc mưu sinh. Nhìn theo con nước và theo kinh nghiệm nhiều năm chài cá, 2 vợ chồng ông biết khúc sông nào có cá mà neo ghe đậu vài tháng, rồi xuôi theo dòng sông Tiền đến nơi khác mưu sinh ngót nghét mà đã hơn nửa đời người.
Và ước mơ bình dị
Đa phần người mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông Tiền không có đất canh tác. Cái nghề “câu cơm” duy nhất hiện nay càng vất vả, khó khăn hơn vì nguồn lợi thủy sản từ dòng sông ngày càng cạn kiệt. Cuộc sống vốn đã khó nay lại càng khốn khó, cơ cực hơn.
Cuộc sống ngày cũng như đêm luôn nghe tiếng sóng ì oạp vỗ vào mạn thuyền, con chữ cũng không được biết đến nơi đến chốn, nhường chỗ cho những gánh nặng mưu sinh. Lớn lên, rời thuyền, bỏ bến, 2 người con của chú Nguyễn Hoàng Vũ (55 tuổi) và cô Nguyễn Thị Kiềng (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) vẫn không thoát khỏi cảnh khó khăn. 2 con của chú đã lập gia đình và sinh con. Như vòng tròn của số phận, các con, dâu, rể, cháu của chú lại tiếp tục cuộc sống lênh đênh trên thuyền, cuộc mưu sinh nương nhờ cả vào dòng sông. Nhưng những hy vọng, ước mơ bình dị của cuộc sống rày đây mai đó vẫn cháy trong họ.
Nhìn làn da nâu sẫm vì nắng gió, nụ cười hiền lành, nhưng tận sâu thẳm trong đôi mắt của họ dường như ai cũng có một ước muốn: “Đã quen thuyền, quen bến, ráng thêm vài năm nữa rồi về quê, hoặc lên bờ tìm việc khác để làm cho ổn định và bớt nguy hiểm hơn”.
Dẫu còn nhiều vất vả, nhưng những người làm nghề chài lưới, cào cá vẫn bám trụ và sống bằng “món quà” của sông nước. Sau một ngày lao động mệt nhọc, họ chỉ hy vọng mẻ lưới kéo lên mang theo nhiều tôm, cá để cuộc sống đỡ vất vả và cơ cực.
Xuôi thuyền trên sông, nghe những câu chuyện về phận người rày đây mai đó theo con nước lớn nước ròng trên sông Tiền để mưu sinh, mà trong lòng không khỏi một nỗi buồn. Chia tay những dân chài bên bờ sông sông Tiền đang oằn mình trước những cơn sóng lớn, những cái nắng nóng đổ lửa và cơn mưa mịt mù, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa.