Tại đây, Hiệp hội chia sẻ thêm tiềm năng cũng như khó khăn chung mà ngành cá tra đang gặp phải, nhất là thị trường đầu ra của sản phẩm, giá bán thấp hơn giá thành, người nuôi phải chịu lỗ treo ao. Định hướng của Hiệp hội trong thời gian tới sẽ tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa cùng chính sách đối với cá tra Việt Nam.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay tỉnh đã thả nuôi gần 1.500 ha/2.000ha, đạt 82% kế hoạch, sản lượng thu hoạch 380.000 tấn. Tính đến tháng 9, chế biến xuất khẩu thủy sản với sản lượng 134.900 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 351 triệu USD...
Trong giai đoạn cá tra Việt Nam chịu nhiều áp lực, để giúp ngành cá tra phát triển, các đại biểu đề xuất cần quy hoạch lại sản xuất, thông tin dự báo nhu cầu thị trường để điều tiết sản lượng phù hợp. Đồng thời, phải đưa ngành sản xuất cá tra vào ngành nghề có điều kiện nhằm hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng cá tra, cá phi lê, tiến tới chia sẻ hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp...
Kết thúc buổi làm việc, Hiệp hội gửi lời cảm ơn đến UBND tỉnh đã chia sẻ những thông tin sát thực tế, qua đó giúp Hiệp hội xây dựng chương trình hoạt động sát với thực tiễn, từ đó đưa ra những tham mưu phù hợp giúp ngành cá tra Việt Nam phát triển. Đồng thời, Hiệp hội mong tỉnh tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin liên quan đến cá tra.
Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng, khi Hiệp hội thành lập sẽ là cầu nối cho nghề cá tra phát triển bằng những định hướng, thông tin về tình hình thị trường của cá tra. Tỉnh và các ngành hữu quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cá tra, tỉnh cũng đang chuẩn bị xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết cá tra trong thời gian tới...