Chế biến cá tra tại nhà máy. Ảnh: Thái Hằng
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep cho biết nhiều nông dân và công ty cá tra đang vướng vào nợ ngân hàng, chưa kể tình trạng nợ dây chuyền, người nông dân nợ tiền thức ăn, trong khi nhà máy chế biến nợ tiền nông dân, nên khả năng đầu tư mới vào nuôi cá tra là rất ít.
Giá thành nuôi quá cao, lên đến 23.000-24.000 đồng/kg cũng khiến người nông dân quay lưng lại với ao nuôi. “Sẽ có trên 40% nguyên liệu chế biến bị thiếu hụt”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản sắp tới cũng dự báo có nhiều biến động gây khó khăn cho người nuôi, theo ông Minh. Nguyên nhân là do giá bánh dầu đậu nành nhập khẩu tăng từ 380 đô la Mỹ/tấn hồi đầu năm lên gần 520 đô la Mỹ/tấn. Tương tự giá bột cá nhập khẩu tăng từ 260 đô la Mỹ lên 290 đô la Mỹ/tấn mặc dù giá một số loại nguyên liệu tại chỗ như khoai mì và cám giảm.
Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản An Giang (Agifish) cho biết hiện nay có nhiều nhà máy do khó khăn đã ngưng hoạt động xuất khẩu, mà chuyển sang nhận gia công cho các đơn vị có đầu ra xuất khẩu còn tương đối tốt.
Theo thống kê của Vasep, trong 5 tháng đầu năm toàn ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng xuất khẩu cá tra đạt gần 700 triệu đô la Mỹ, tăng 11% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng mạnh nhất là thị trường Mỹ, Brazil, Mexico, khoảng 30% so với cùng kỳ. Tuy tăng trưởng nhưng theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở lãi vay cao, khó tiếp cận vốn vay, làm giảm đầu tư cho vùng nguyên liệu, gây thiếu hụt cá tra nguyên liệu.