Ông tên thật Trần Văn Dũng, ở ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Chưa học xong cấp tiểu học, nhưng ông Dũng không chấp nhận an phận làm những người nông dân chân lấm tay bùn như bao người khác, mà luôn hăm hở lao vào chế tạo máy móc. Song cũng chính nhờ niềm đam mê khác người đó mà ông rũ mình khỏi cảnh chân lấm tay bùn để trở thành chủ doanh nghiệp.
Nợ chất chồng vẫn miệt mài sáng chế
Mọi việc khởi sự từ khoảng năm 1993, khi phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh ở huyện Duyên Hải. Thấy nhu cầu đào ao, nạo vét bùn vệ sinh ao hồ sau vụ nuôi rất lớn, nên ông Dũng chuyển ngay sang làm nghề đào ao, bơm bùn. Tuy nhiên, với chiếc máy bơm bùn, dân địa phương gọi nôm na là đầu bò thì công việc không hề thuận tiện.
Để vận hành được cái đầu bò, phải huy động 4 - 5 người, trong đó 2 - 3 người cào bùn, đào đất, dọn cỏ. Vất vả lắm thì một giờ cũng chỉ đào hút được 4 - 5m3 đất, cả nhà ông làm việc cực nhọc cả ngày cũng chỉ đủ ăn. Ý tưởng có một bàn tay sắt khổng lồ đào cắt khối đất kia rồi đưa vào guồng hút thì để đỡ vất vả đã thôi thúc ông mày mò, sáng tạo ra chiếc máy đào hút bùn ngày nay.
Tuy nhiên, cái máy lại phụ công người, bao nhiêu hăm hở, công sức và tiền bạc bỏ ra mà cái máy không thể hoạt động tốt. Hết lần thất bại này đến lần thất bại khác, người nhà hết lời can ngăn, nhưng ông Dũng vẫn kiên quyết không bỏ cuộc. Không tiền, ông chạy vạy khắp nơi đổ vào sửa máy. Rồi nợ nần tăng dần lên, mà cái máy vẫn nằm ì.
Bí đường, ông Dũng đưa vợ con lên ghe bỏ trốn. Mất 5 năm bươn chải ở xứ lạ, sau khi dành dụm được kha khá tiền, ông Dũng mới dám đưa gia đình về lại quê. Vừa về đến quê, ông lại hăm hở tìm ngay cái mày hút bùn dạo nọ.
Ông tiếp tục lén ra các ao mương vắng người chỉnh sửa máy hút bùn. Ăn uống thì con trẻ lén đem ra vì về nhà người ta ào tới đòi nợ. Nhưng động cơ ồn ào từ máy phát ra đã “tố” với chủ nợ, cứ mỗi lần nghe có tiếng chủ nợ đến đòi là ông lại trốn.
Bao tháng ròng cái máy mới khuất phục chịu hút bùn với công suất 20m3/giờ, quá đạt so với máy đầu bò thông thường. Lúc này ông mới dám đường hoàng xuất hiện. Khi thấy cái máy hút được bùn ào ào người trong nhà mới thở phào nhẹ nhõm, bà con trong làng cũng bắt đầu nhìn ông bằng con mắt khác.
Một số người bắt đầu đề nghị ông đến hút bùn cho họ bằng cái máy đó. Làm một thời gian, ông Dũng lại loay hoay chỉnh sửa, gắn thêm 3 lưỡi dao sắt vào máy hút bùn. Nhờ có 3 lưỡi dao này khi hút bùn gặp vật cứng dưới đáy ao chúng đều có thể chẻ ra để hút dễ dàng.
“Lên đời” nhờ chiếc máy hút bùn
Chiếc máy hút bùn của ông Dũng không chỉ giúp ông thoát được nghèo, thoát khỏi vòng bủa vây của nợ nần mà còn hỗ trợ rất đắc lực cho nông dân trong khu vực ngày ấy.
Lúc đó, phong trào đào ao nuôi tôm sú rất rầm rộ ở miền Tây, trong khi máy đào hút bùn do ông Dũng chế tạo lại có nhiều ưu thế tuyệt đối hơn hẳn so với các loại máy cũ như, công suất hút bùn 30 - 40m3/giờ, vận hành máy chỉ cần 1 - 2 người, tiêu hao nhiên liệu 20 lít dầu/180m3, giá thành chưa kể động cơ là 14 triệu đồng/máy nên đơn đặt hàng tới tấp. Cũng chính nhờ chiếc máy hút bùn mà tên tuổi của ông Dũng nổi tiếng khắp vùng duyên hải.
Sản phẩm máy hút bùn này của ông đã nhận bằng độc quyền sáng chế máy đào hút bùn, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.
Sau khi chiếc máy đào đất hút bùn được trao bằng độc quyền sáng chế nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đề nghị mua lại công nghệ sản xuất máy hút bùn nhưng ông Dũng đều khước từ. Ngay sau đó, ông cũng cho ra mắt Công ty TNHH một thành viên Liêm Thanh do ông làm giám đốc.
Liên tiếp sau thành công đó, ông lại tiếp tục chế tạo các loại nông cụ hỗ trợ đặc lực cho nhà nông và được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Như chế tạo máy hút bùn, cát với công năng hút, bùn cát nạo kênh rạch, bến bãi đạt công suất 100m3/giờ. Rồi, nắm bắt được thời thế khi phong trào nuôi cá tra, tôm sú đang phát triển mạnh, ông sáng chế ra loại máy cải tạo ao hồ.
Chiếc máy này đã hỗ trợ rất đắc lực cho các hộ nuôi cá tôm trong thời điểm ấy. Đó là do lúc thu hoạch tôm cá xong phải nạo vét đáy ao cho sạch các thức ăn thừa, phân cá đã tích tụ, như vậy thả tôm cá bột mới không lo chúng bị nhiễm mầm bệnh. Lúc đó sên ao phần nhiều dùng sức, làm rất cực nhưng hiệu quả không cao.
Vì thế, ông suy nghĩ ngay đến việc làm chiếc máy cải tạo ao hồ nhằm giải phóng sức lao động cho người dân. Máy làm xong bán mỗi cái 28 triệu đồng, sên vét ao bùn 400m3/giờ, làm chưa đầy 2 ngày ao sạch nên người nuôi cá tôm khá hài lòng và ông nhận được đơn đặt hàng tới tấp.
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, ông Dũng sáng chế ra các loại máy phù hợp với thực tế thị trường. Tiếng tăm của ông Dũng ngày càng vang xa, đến mức một doanh nghiệp Hải Phòng đã đề nghị ông Dũng mở cơ sở sản xuất máy đào đất bùn, lời lãi chia đôi, mặt bằng, giấy phép, vốn... doanh nghiệp này lo hết.