Vừa ra khơi đánh bắt hải sản được khoảng bốn ngày, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Hùng ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) nhận tin về cơn bão Mangkhut đang tiến vào Biển Đông buộc ông phải quay về cảng Lạch Quèn vào sáng 15-9. Ông Hùng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin đầy đủ về cơn bão Mangkhut qua máy liên lạc Icom, ông cùng tám thuyền viên ngay lập tức thu gom lưới cụ, quay về đất liền tránh bão. Nếu không xuất hiện cơn bão, vài ngày nữa tàu của ông mới về bờ.
“Chuyến ra khơi này do bão nên chúng tôi phải quay về bờ sớm hơn dự kiến. Trong bốn ngày khai thác trên biển, tàu đã đánh được tám tấn cá các loại, chủ yếu là cá hố, cá trẳn, cá trỏng. Bình thường, với số hải sản này, chúng tôi bán được khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi về cập bến, thương lái ép giá nên thu nhập chuyến này chỉ đạt 70 triệu đồng, thất thu trên 30 triệu đồng so với dự kiến giá trước đó”, ông Hùng cho biết.
Không riêng ngư dân Nguyễn Văn Hùng, hàng trăm tàu cá của ngư dân các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải.. đang về bờ tránh bão và khẩn trương vận chuyển hải sản xuất bán cho thương lái đều với giá thấp hơn trước đó.
“Do mưa bão, các tàu cá đồng loạt về bờ nên hải sản nhiều và việc chế biến, tiêu thụ cũng gặp khó, chính vì vậy thương lái đã ép giá. Như tàu của tôi đây, dự kiến về trước một ngày sẽ được 200 triệu, nhưng hôm nay về đúng lúc các tàu khác cũng về cập bến nên giá các mặt hàng đều xuống, tổng doanh thu chỉ đạt 160 triệu”. Ngư dân Phạm Văn Thành ở xã Quỳnh Nghĩa cho biết.
Các ngư dân cho biết, tại cảng cá Lạch Quèn và một số cảng cá cá khác trong tỉnh Nghệ An, thường ngày, cá hố có giá bán khá cao, khoảng 80 nghìn - 100 nghìn đồng/kg thì hiện tại giảm xuống còn 60 nghìn đồng/kg; cá trẳn 50 nghìn đồng/kg giờ chỉ còn 35 nghìn - 40 nghìn đồng/kg; cá bạc má 50 nghìn đồng/kg hiện còn 40 nghìn đồng...
Theo chia sẻ của ngư dân, nghề biển hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời yên biển lặng, ngư dân mới đánh bắt hiệu quả nhưng cứ mưa bão liên tục thì gặp rất nhiều khó khăn. Do bão nên các đội tàu phải khẩn trương vào bờ trú, tránh nên thường mất trắng tiền dầu, chi phí của cả chuyến đi biển. Trừ những tàu đã đánh bắt được dăm mươi ngày như tàu ông Hùng, ông Thành nói trên, trước khi quay vào bờ tránh bão đang còn lưng tàu cá, dẫu sao đang còn gỡ gạc chi phí dầu đèn. Khi vào bờ, họ đã không được chia sẻ khó khăn mà còn bị tư thương ép giá khi bán hải sản. Không chỉ lỗ chi phí, tiền dầu, mà giá thu mua cũng thấp thua hơn so với ngày thường. Như lời một ngư dân xã Tiến Thủy: Về bến tránh bão mà bán hải sản thì ngư dân tụi tui “cháy hai đầu cháy lại”.
Đành rằng, thu mua, chế biến và tiêu thụ hải sản vào dịp mưa bão là hết sức khó khăn, vất vả, với độ rủi ro cao. Nhưng với quan điểm “Bầu ơi, thương lấy bí cùng”, các tiểu thương hãy cố gắng thu mua hải sản cho ngư dân với giá cao nhất trong điều kiện có thể; nhất là trong dịp mưa bão. Dịp này, mọi người có thể lấy công làm lãi. Đừng vì mưa bão mà trục lợi trên lưng các ngư dân vốn đã bao khó khăn vất vả khi phải quay vào bờ tránh bão! Bởi các tiểu thương mua bán hải sản ở các cảng cá đều xuất phát từ những gia đình ngư dân nhiều đời gắn bó với biển cả.