Những lần trốn chạy
Sau nhiều lần thuyết phục, Hai Thành (ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) mới đồng ý cho tôi theo chân bán tôm nguyên liệu. Hơn mười năm tỉnh Cà Mau chuyển dịch kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm, anh cũng tập tành làm doanh nghiệp. Nhớ lại những ngày tập tễnh vào nghề, Hai Thành thú thật: “Ban đầu tôi đâu có ý định làm doanh nghiệp, công ty. Khi nhà nước quy hoạch nuôi tôm, người dân ồ ạt lên liếp, làm cống để vào vụ, lúc đó tôm trúng nhiều nhưng người mua không có. Tôi bàn với bà xã, gia đình có cái vỏ lãi thì tận dụng. Tôi ra công ty hỏi giá rồi về mua của bà con đem ra TP.Cà Mau bán lại kiếm lời”. Vậy là, biệt danh “Thành tôm” cũng xuất hiện từ đó. Hai Thành cho biết cuộc sống không khá giả nhưng nhờ chăm chỉ, anh cũng có cơ ngơi ổn định, con cái được đến trường...
Nhưng khoảng sáu năm nay, cuộc chiến chống tôm tạp chất trở thành nỗi ám ảnh của giới thu mua tôm ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là các đại lý thu mua nhỏ lẻ. Hai Thành nhớ lại, năm 2003 anh từng chứng kiến cảnh bị lực lượng kiểm tra vây bắt nên phải gom góp hết tài sản thu mua tôm của người dân bán lại, lấy công làm lời. Bất ngờ trong một lần chuyển hàng, anh vừa chợp mắt ngủ bù trên xe tải thì tài xế thắng gấp. Phía sau thùng xe, những cần xé tôm va vào nhau ầm ầm. Hai Thành giật bắn người khi nghe tài xế la lớn: “Có đoàn kiểm tra, anh trốn đi để em lo...” và hoảng hốt chộp cái túi xách chỉ còn vài đồng bạc lẻ, mở cửa xe chạy như ma đuổi. Nép mình trong đám lau sậy nhìn số tôm bị tịch thu, lòng đau như cắt, tay anh run run bấm điện thoại cho vợ: “Bà ơi, nửa tấn tôm sú coi như tiêu rồi”. Tôi hỏi anh sao không ở lại, Hai Thành cười: “Ở lại để nhận quyết định phạt à! Tài xế chỉ thừa nhận chở tôm thuê cho ông A, bà B nào đó, bị tịch thu là xong. Ai dại gì nhận là chủ lô hàng để vừa bị phạt vừa mất luôn tài sản. Ngộ cái tôi vi phạm lần đầu sao họ không nhắc nhở mà tịch thu? Tôi kinh doanh tôm, không hiểu luật, chẳng được hướng dẫn lại bị xem như mua bán hàng quốc cấm...”.
Tài sản bao năm mất sạch, Hai Thành định bỏ nghề, nhưng hễ đến con nước, người dân tìm tới nhà bán tôm là anh lại bần thần và thú thật không nhớ hết bao nhiêu lần phải chịu cảnh nhìn tôm bị tịch thu. “Lực lượng kiểm tra nói tôm có tạp chất, trung bình mỗi lần tôi mất trắng vài trăm triệu đồng. Gia đình nhiều lần lâm cảnh nợ nần chồng chất. Tôm tạp chất bây giờ như đại dịch, mức phạt còn ghê gớm hơn. Chủ lô hàng tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt từ một đến bảy lần giá trị lô tôm” - anh cho biết.
Biết vi phạm nhưng Đành chịu
Hai Thành thừa nhận: “Lúc mới vào nghề, bị tịch thu tôm, tôi mới biết tôm tạp chất có chích rau câu. Hiện nay giới thu mua quen rồi. Tôi hỏi anh, nhà máy, xí nghiệp không mua, chúng tôi bán cho ai? Khi đó thương lái chúng tôi vốn ít, lấy công làm lời nhưng họ cứ nhắm vào. Xí nghiệp, công ty còn mua là chúng tôi vẫn bán”. Cùng quan điểm trên, anh Sáu Phương, chủ một vựa tôm ở TP.Cà Mau, nhận định: “Đa số các đại lý biết vi phạm nhưng vẫn mua. Hiện nay giá tôm nguyên liệu họ thu trong dân 170.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), đến khi đem bán cho các công ty, xí nghiệp bị ép giá mỗi ký 10.000 đồng. Chúng tôi không chích rau câu, không tăng kích cỡ, trọng lượng tôm làm sao có lãi!”. Bên cạnh đó, giới đại lý thu mua còn cho rằng đang phải sống chung với “cơn bão” tạp chất. Trong khi nguồn tôm nguyên liệu ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản tranh nhau mua nên tôm tạp chất vẫn hút hàng.
Theo Hai Thành, so với những ngày đầu mới vào nghề, anh cũng rút được nhiều kinh nghiệm. Mỗi chuyến, anh phân ra nhiều xe chở bán ở nhiều tuyến đường khác nhau, khi bị kiểm tra lô này thì còn lô khác trót lọt. Trên đường bán tôm nguyên liệu với tôi, anh kể vanh vách tên những chủ tôm phá sản. Giới kinh doanh tôm sú thực sự ám ảnh tiếng còi của lực lượng kiểm tra, bởi thực tế nhiều lô tôm bán cho các công ty đều có chích tạp chất.
Xe chuẩn bị đến nơi, Hai Thành bức xúc: “Có lần tôi giả làm công nhân chở thuê để xem tôm tạp chất về đâu. Thật bất ngờ, hàng được chỉ định bán cho công ty, xí nghiệp giá bèo. Tài sản cả trăm triệu đồng của dân được “phù phép” phục vụ lợi ích cho một nhóm người...”. Từ chỉ dẫn của Hai Thành, chúng tôi phát hiện thêm hàng loạt bất cập trong việc xử lý tôm tạp chất trên địa bàn tỉnh Cà Mau gây bất bình trong thương lái... (Còn tiếp)
Mua bán tôm tạp chất đã đến mức báo động
Trái với những đợt ra quân rầm rộ của cơ quan chức năng, tình trạng mua bán tôm tạp chất năm sau vẫn cao hơn năm trước. Ngày 17-5-2010, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ra Công văn khẩn số 1430/CT-BNN-QLCL cảnh báo tình hình bơm tạp chất vào tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và đề nghị các địa phương mở chiến dịch chống tôm tạp chất.
Nghị định số 31/2010/NĐ- CP, ngày 29-3-2010 cho phép, cơ quan quản lý nhà nước rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hiệu lực công nhận về an toàn thực phẩm từ 6 - 12 tháng đối với đơn vị chế biến thủy hải sản vi phạm hành vi mua bán, chế biến tôm tạp chất. Điều kiện để thực hiện chế tài này là cơ sở bị phát hiện tái phạm việc thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất hoặc tái phạm hành vi thuê mướn, tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; hay bị phát hiện nhiều lần kinh doanh thủy sản tạp chất. Nhưng những cơ sở vi phạm và bị xử lý chủ yếu là đại lý nhỏ lẻ.