Các nhà khoa học đã khám phá ra một khác biệt rất lớn giữa dương vật của cá sấu châu Mỹ với “cậu nhỏ” của đa số những động vật khác.
Dương vật của loài bò sát này được cấu tạo từ các mô xơ, dai cứng, liên tục ở trạng thái “giương nòng” cực điểm bên trong đường sinh sản của chúng và đẩy ra khỏi cơ thể trong lúc giao phối.
Điều này có nghĩa là, cơ quan sinh sản của cá sấu đực không thay đổi hình dạng hoặc kích thước khi ham muốn và cũng không đòi hỏi việc bơm căng “cậu nhỏ” lúc giao ban.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Anatomical Record, khi giao phối, cá sấu đực phóng “cậu nhỏ” ra khỏi cơ thể và thu nó về với tốc độ tương đương nhau.
“Hiện tượng này thực sự thú vị và kỳ lạ, rất khác so với bất cứ thứ gì chúng ta đã thấy ở các động vật có xương sống”, tiến sĩ Diane Kelly, một chuyên gia giải phẫu đến từ trường Đại học Massachusetts (Mỹ) và là tác giả của nghiên cứu, nhận xét.
Bà Kelly cho biết, tới đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã có bản mô tả về dương vật của cá sấu nhưng thừa nhận không hay biết cơ chế hoạt động của nó.
Bà Kelly đã nghiên cứu nhiều cá thể cá sấu châu Mỹ và thông qua giải phẫu kỹ lưỡng đã phát hiện một “cậu nhỏ” màu trắng, dài khoảng 7cm ẩn giấu bên trong đường sinh sản và lỗ bài tiết của cá sấu đực. Nhà nghiên cứu này cũng nhận thấy, do chứa đầy collagen, “cậu nhỏ” của cá sấu trở nên quá cứng cho việc thổi phồng trước giao phối.
“Lượng lớn collagen ở thành và trung tâm dương vật cá sấu làm chắc cứng toàn bộ cấu trúc. Vì vậy, nó có thể dễ dàng bật ra ngoài để giao phối và nhanh chóng rút về như cũ sau khi cuộc ân ái hoàn tất”, bà Kelly lý giải thêm.
“Cậu nhỏ” của cá sấu bật nảy ra ngoài cơ thể thân chủ nhờ một nhóm cơ nhất định và rút về chỗ ban đầu khi con vật thả lỏng các cơ với sự trợ giúp của các gân “cao su” ở gốc dương vật.