Tiếng khóc “nỉ non” đã được thay bằng những nụ cười tươi rói cùng đôi mắt rạng ngời như ánh nắng ban mai. Những nụ cười duyên dáng ấy, ta có thể bắt gặp từ một người dì với thau dưa điên điển đặc sản miền quê (ảnh 1), hay nụ cười chào mời của cô thôn nữ với món mắm cá đồng (ảnh 2).
Nụ cười duyên ấy với dáng vẻ lam lũ, tảo tần đã làm cho phiên chợ quê vào mỗi buổi sáng trở nên hấp dẫn và thân thuộc hơn (ảnh 3). Tiếng cười trong trẻo của những “thân cò”, đã làm người ta quên đi những vất vả, lo toan của cuộc sống đời thường và hạnh phúc cứ như được nhân lên. Bởi đằng sau những rổ rau, con cá là sự thành đạt của không ít cậu Cử, cô Cử.
Bà Nguyễn Thị Mai, một người bán rau đồng ở chợ Ngan Dừa bộc bạch: “Để đưa rau cải, cá mắm ra chợ bán có người phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để dọn hàng, vì chợ quê chỉ họp nhóm trong vài tiếng đồng hồ. Việc mua bán tuy có cực nhọc, nhưng đổi lại gia đình mình được ấm no, con cái được ăn học đàng hoàng… thì ai cũng thấy vui trong lòng”.
Những chú cá lóc, cá rô đồng cứ thi nhau nhảy trên các mâm hàng và theo đó là sắc hồng của bông súng, trắng tinh của bông so đũa cùng sắc vàng rực rỡ của bông bí cứ đua chen. Với bức tranh đẹp như vẽ của làng quê, cùng sự náo nhiệt của buổi họp chợ, nếu được phát triển thành một điểm du lịch mang phong cách “hồn quê” chắc sẽ hấp dẫn nhiều du khách. Vì nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL hiện nay đã chọn du lịch sông nước là một trong những lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là phát huy nét đẹp văn hóa từ các phiên chợ quê, hoặc chợ nổi trên sông (ảnh 4). Bạc Liêu hoàn toàn có thể thực hiện mô hình này, với những cô thôn nữ bán hàng trong trang phục áo bà ba duyên dáng, thấp thoáng nụ cười e ấp sau vành nón lá… Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những giải pháp giúp những “thân cò” giảm bớt cực nhọc, tăng thêm thu nhập từ các dịch vụ du lịch.