Theo VASEP, năm 2018, XK tôm sang EU đạt 838,3 triệu USD, giảm 2,8% so với năm 2017. Sở dĩ XK tôm sang EU bị giảm nhẹ là do giá tôm XK giảm mạnh trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2018, chứ không phải do nhu cầu tiêu thụ giảm.
Theo Cục XNK (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ tôm của EU vẫn ở mức cao. Thay vì ăn tôm tại các nhà hàng, ngày càng có nhiều người tiêu dùng EU mua tôm đông lạnh ở siêu thị về tự chế biến tại nhà. Đây là lợi thế lớn cho việc đẩy mạnh XK tôm chân trắng vào EU. Bên cạnh đó, EU đang gia tăng nhu cầu tiêu thụ tôm chế biến sẵn, nhất là tôm hấp nguyên liệu. Với xu hướng tiêu dùng như vậy, Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh XK tôm đông lạnh, tôm chế biến sang EU.
Trước triển vọng về mặt thị trường, nhất là lợi thế từ Hiệp định EVFTA, ngành tôm Việt Nam đang tập trung vào thị trường EU, coi đây là thị trường số 1 với mục tiêu XK 1 tỷ USD trong năm nay. Nếu đạt được điều đó, đây sẽ là thị trường đầu tiên của tôm Việt Nam đạt giá trị XK 1 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu XK 1 tỷ USD vào thị trường EU, VASEP cho rằng, các DN phải tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm tôm theo các Chứng nhận quốc tế. Ở Châu Âu, trong khi các nước Nam và Đông Âu chưa có nhiều nhu cầu đối với tôm đạt chứng nhận ASC, thì các khu vực còn lại đang ưu tiên lựa chọn sản phẩm tôm từ những vùng nuôi có chứng nhận này. Vì vậy, các DN cần rà soát lại các sản phẩm tôm có chứng nhận ASC, coi đó là yếu tố chủ đạo để đẩy mạnh XK vào EU. Đồng thời tích cực tạo ra tâm lý tiêu dùng sản phẩm tôm có chất lượng hướng đến ASC.
Về mặt thị trường, ngành tôm sẽ tập trung vào các thị trường chủ lực ở EU như Anh, Hà Lan, Đức... Trong đó, Anh đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam tại khu vực này khi chiếm gần 36% tổng giá trị tôm XK sang EU. Năm 2018, XK tôm sang Anh đạt trên 200 triệu USD. Từ 2014-2017, XK tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục, từ 114,6 triệu USD lên 212,1 triệu USD, tăng gần 84%.
Nhờ có ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong xuất khẩu sang EU, mặt hàng tôm chế biến xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Anh đang có lợi thế cao hơn về giá bán và chất lượng so với hàng của Ấn Độ, Bangladesh. Để giữ vững thị trường và tiếp tục đẩy mạnh được XK tôm sang Anh, các DN cần cung cấp sản phẩm có giá tốt, có khả năng đáp ứng nguồn hàng đều đặn và liên tục cải tiến phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước này.
Ngoài EU, 4 thị trường cũng được ngành tôm chú trọng đặc biệt trong năm nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với thị trường Mỹ, để hạn chế sức ép từ Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu của Mỹ (SIMP), sự cạnh tranh mạnh mẽ của tôm Ấn Độ nhờ giá rẻ và thuế chống bán phá giá, các DN tôm Việt Nam cần đầu tư để tăng XK các mặt hàng giá trị gia tăng không bị áp thuế chống bán phá giá đồng thời đáp ứng tốt nhất chương trình SIMP nhằm tạo sự khác biệt so với các nước XK khác như Ấn Độ.
Với thị trường Trung Quốc, là một thị trường lớn, rất có tiềm năng, ngành tôm sẽ tăng cường XK chính ngạch bằng đường biển vào các TP lớn của nước này, qua đó sẽ tăng đáng kể giá trị XK so với đi đường bộ trước đây. 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ tăng mạnh được giá trị XK tôm trong năm 2019 nhờ những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Dự tính trong năm nay, XK tôm vào 4 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đạt tổng cộng khoảng 3 tỷ USD.