GAA cho rằng các nhà sản xuất cá tra được chứng nhận BAP phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm và xem xét mức độ liên quan tới môi trường nghiêm ngặt. Những nhà sản xuất này luôn chú trọng đến việc tuân thủ các yêu cầu này.
GAA chỉ ra rằng các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật.
Những thông tin tiêu cực trong những chiến dịch chống cá tra đã bị các nghiên cứu khoa học và truyền thông phản đối.
Đồng tác giả của một trong những nghiên cứu trên, Simon Bush, giáo sư về chính sách môi trường tại Đại học Wageningen cho biết, nuôi cá tra gây ảnh hưởng tới môi trường là một phát ngôn thiếu khoa học.
Trên thực tế, cá tra- một sản phẩm tương đối mới ở các thị trường phương tây, đã tìm được thị trường riêng và ngày càng trở nên quan trọng trong các hãng bán lẻ và dịch vụ thực phẩm. Có lẽ vì vậy mà cá tra đã trở thành nạn nhân cho sự thành công của mình.
Một nhà khoa học khác Emeritus Patrick Sorgeloos tại đại học Ghent nhấn mạnh nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan chỉ ra tác động của ngành cá tra tới môi trường sống Mekong là không đáng kể.
Khi cá tra tìm đường sang châu Âu, ngành khai thác châu Âu lo ngại loài cá nuôi châu Á này với giá phải chăng có thể làm người tiêu dùng mua ít hơn các loại cá được khai thác từ các nguồn trong khu vực.
Liên quan đến tác động tới môi trường, điều phối viên BAP của GAA chỉ ra rằng, bất kỳ loài cá nào, dù tự nhiên hay nuôi trang trại đều có tương tác với môi trường. Cá tra cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, các hệ thống sản xuất cá tra ở Đông Nam Á không có khả năng tạo ra những tác động tiêu cực tới môi trường.
Ông cũng nhấn mạnh, các tổ chức như ASC và BAP đã lập ra những bộ tiêu chuẩn về môi trường và sản xuất đối với cá nuôi để công nhận rằng hoạt động của những nhà sản xuất cá tra không có tác động tiêu cực tới môi trường.
Các tiêu chuẩn được phát triển bởi GAA và ASC cũng bao gồm việc sử dụng hóa chất và kháng sinh để ngăn những rủi ro tới sức khỏe của người tiêu dùng hoặc môi trường.
Để xác minh việc tuân thủ các tiêu chuẩn BAP và ASC, các tổ chức chứng nhận độc lập thực hiện các cuộc thanh tra hàng năm với các thẩm định viên được đào tạo bài bản và có chuyên môn về nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng tiềm tàng của lĩnh vực này.
Do vậy, GAA kết luận rằng dựa trên các tiêu chuẩn mang tính khoa học, các cuộc thẩm tra độc lập, khắt khe, cá tra được chứng nhận là một sự lựa chọn an toàn và có trách nhiệm của người tiêu dùng.
Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã đạt được các chứng nhận quốc tế ở mức cao, như Tiêu chuẩn nuôi cá tra bền vững (PAD) của Hoa Kỳ, hoặc tiêu chuẩn ASC của châu Âu…