Ông Thêm cho biết cách đây gần 2 tháng, ông thả 3 đợt giống với gần 90 vạn tôm thẻ chân trắng xuống 3 ao nuôi rộng 5.000m2, mỗi đợt cách nhau 15 ngày và dự định xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Khoảng 23 giờ 30 ngày 12.11, theo thường lệ, ông thức dậy để lấy nước từ biển vào 2 ao 1 và 3; đồng thời sử dụng thuốc oxytagen để tôm khỏi nhảy lên bờ. Nhưng chỉ 30 phút sau, khi ông quay lại ao để đóng công tắc nước thì thấy một lượng lớn tôm có màu trắng, mắt đỏ và nổi lừ đừ trên mặt nước.
Ông Thêm vội lội xuống ao để kiểm tra thì thấy tôm chết dày dưới đáy hồ. Chỉ trong thời gian ngắn, tôm trong 3 ao nuôi đã gần như chết sạch.
“Tôi nuôi tôm gần 20 năm nay, đây là lần đầu tiên tôm chết bất thường như vậy. Đợt này khiến gia đình tôi thiệt hại hơn 400 triệu đồng; trong đó khoảng 100 triệu đồng là số tiền vay mượn khắp nơi để đầu tư. Tôi nghi ngờ là tôm bị trúng độc chứ không thể do nước hay thuốc oxytagen được, vì trong số 3 ao nuôi, có ao số 4 đêm qua không lấy nước vào nhưng tôm cũng chết” - ông Thêm nói.
Theo ông Thêm, các hồ xung quanh cũng nuôi theo phương pháp tương tự nhưng đêm qua chỉ có ao ông gặp sự cố. Trước đó, khi ông cho ăn tôm vẫn khỏe và không có dấu hiệu chết hay bị bệnh. Ông cũng đã lấy mẫu tôm, mẫu nước trong các ao vào thời điểm nói trên và báo cáo toàn bộ sự việc lên các cơ quan chức năng.
Vớt số tôm chết và tìm cách xử lý hồ. Ảnh: H.Q
Cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường tìm hiểu vụ việc. Ảnh: H.Q
Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, tôm trong các ao đã chết khoảng 95%. Công nhân của ông Thêm đang vớt toàn bộ số tôm tại hồ lên bờ để tìm cách xử lý hồ nuôi. Tôm đã chết có màu trắng và bắt đầu bốc mùi hôi.
Thượng tá Nguyễn Thành Long - Trưởng Công an huyện Núi Thành cho biết: “Nhận được tin báo của người dân, sáng 13.11 đơn vị đến hiện trường, tìm hiểu và điều tra vụ việc. Hiện tại, đơn vị đã lấy mẫu và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm ra nguyên nhân sớm nhất”.