Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Quỳnh Bảng có 100ha, với 80 hộ nuôi, chia làm 3 khu vực nuôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực xuống giống nhiều nhất cũng chỉ đạt tỷ lệ 50%, khu vực thấp nhất chưa đầy 20%. Nhiều ao tôm bỏ hoang, rong rêu mọc đầy, hoang hoá.
Nhiều ao tôm sau khi xử lý cũng đành "phơi" ao do thiếu nguồn nước đảm bảo để xuống giống lần khác. Máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm như: máy bơm, quạt sục khí, thuyền… để sét gỉ, hư hỏng.
Do ảnh hưởng dịch bệnh phải thu hoạch khi chưa đạt kích cỡ. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện tại, toàn xã Quỳnh Bảng có trên 20ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Hộ ông Hoàng Văn Tình có 4.000m2 ao nuôi, trong đó, 1 ao nuôi 2.000m2 nhiễm bệnh, tôm chết nhiều, phải thu hoạch khi chưa đạt kích cỡ, giá bán chỉ được 70.000-80.000 đồng/kg.
Liên tiếp thua lỗ, khó khăn về nguồn nước, dịch bệnh, giá thức ăn cho tôm tăng cao nên nhiều hộ dân đã san lấp ao để chuyển đổi sang các vật nuôi khác.
Hiện, người dân đang trông chờ "Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu" sớm hoàn thành, đi vào hoạt động để gỡ khó về nguồn nước cho người nuôi tôm.
Theo số liệu từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu, vụ tôm xuân hè năm nay tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện là 465ha, hiện nay đã thả được khoảng 50%, một số vùng chỉ được khoảng 20-30%.