12 giờ trưa, đang chờ đèn đỏ ở ngã tư Thanh Điền (huyện Châu Thành), chợt thấy 2 người đàn ông hơi lớn tuổi dừng đổ xăng, trên 2 chiếc xe máy cà tàng, cũ kỹ có mấy cái bao tải đựng ống nhựa dài chừng 1,2 mét. Nhìn kỹ mấy ống nhựa, tôi mường tượng như ống trúm mà ngày còn bé tôi cũng từng làm để bẫy lươn. Tò mò, nên họ vừa nổ máy chạy đi, tôi cũng theo sau.
Ngày bé ở quê, tôi thường làm ống trúm bẫy lươn bằng nứa hay tre, một đầu bịt chặt và khoét một lỗ để lưu thông oxy, đầu kia được bịt bằng hom - đan bằng tre, hình chóp nón - rồi đút vào miệng ống, dùng chốt tre chèn lại. Cái ống đó dùng để bẫy lươn, chỉ cần tra mồi bằng giun đất hay cua đồng giã nhỏ vào miệng ống hay trên hom rồi nút chặt, chiều tối đem thả xuống bờ ao hay bờ ruộng, miệng ống nằm sát đất, đuôi ống kê lên bờ ruộng hoặc bờ ao. Lươn ngửi thấy mùi cua hay giun đất phân hủy thì khoái vô cùng, chui vào ống để “đánh chén”. Mấy chú lươn đâu biết rằng chui vào thì được nhưng chui ra thì khó hơn lên trời.
Đi xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn.
Bây giờ, người ta không còn làm ống trúm bằng nứa hay tre nữa, họ dùng ống nhựa, một đầu nung nóng cho nó co khít lại hoặc dùng chai nhựa dán keo bịt lại. Tuy nhiên đầu kia thì vẫn phải dùng hom đan bằng tre.
Xuyên rừng, xuyên biên giới săn lươn
Đi theo họ một quãng đường khá xa, từ Thanh Điền (Châu Thành) lên tới xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh). Lúc này, tôi mới vượt lên, chạy song song với họ để bắt chuyện, rồi ngỏ ý xin được đi cùng. Hai người đàn ông có vẻ ngỡ ngàng, nhưng thấy tôi có chút am hiểu về cái ống trúm bằng nhựa nên chỉ đắn đo một chút rồi đồng ý. Tuy nhiên họ cũng báo trước là phải đi xuyên rừng, sát biên giới Campuchia và phải sang ngày mai mới về.
Chú Hiếu đang thả ống trúm xuống một con suối nhỏ giữa rừng.
Trên đường đi, đôi lời qua lại, hai người đàn ông mới cho biết họ tên tên là Nguyễn Văn Yên và Nguyễn Văn Hiếu – cùng ngụ ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Cả 2 đều có dáng người nhỏ nhắn, nước da sạm đen. Chú Yên năm nay 58 tuổi, làm nghề “săn lươn” được hơn 7 năm, còn chú Hiếu ít hơn 10 tuổi nhưng lại làm nghề này gần 30 năm. Chú Yên có gương mặt khá khắc khổ, lại có hàm răng rơi đâu mất mấy cái răng cửa, nhưng rất hay cười, nụ cười yêu đời.
Hai chú Yên và Hiếu tìm nơi đặt ống trúm trong rừng Suối Lam.
Từ Thạnh Tân, chúng tôi ngược lên hướng các xã biên giới huyện Tân Châu, len lỏi qua những con đường đất, những cánh rừng, tới một cây cầu sắt bắc qua con suối chảy qua rừng cao su, nơi đó có mấy hộ dân sinh sống và có 1 quán cà phê nhỏ. Tôi thoáng thấy tấm biển ghi rõ ấp Đông Lợi, xã Tân Đông (huyện Tân Châu), bên kia cầu có trạm kiểm soát của đồn biên phòng, đây có lẽ là khu vực biên giới rồi. Chú Yên dừng lại, chỉ tay vào quán cà phê: “Điểm đặt ống trúm cách đây mấy cây số nữa, phải qua cánh rừng cao su phía trước, qua đường vành đai biên giới, rồi băng qua một cánh rừng cao su nữa là tới”.
Chúng tôi tiếp tục đi, lên tới đường vành đai biên giới, tôi chỉ kịp liếc nhìn cột mốc lộ giới ghi rõ “Vạc Xa 18km – cầu Sài Gòn 21km”. Rẽ vào đường mòn trong rừng cao su, tới một cánh rừng tràm, chú Yên bảo đây là rừng suối Lam, điểm đầu đặt trúm bắt lươn. Từ Thanh Điền lên tới cánh rừng này cũng phải hơn 60km, sóng điện thoại chỉ có mỗi Viettel, các nhà mạng khác đều “chết ngắc”.
Xin ngủ nhờ ở một ngôi nhà tại ấp Đông Thành.
Lúc đó cũng đã 3 giờ chiều. Theo các con rạch trong rừng, các chú lần lượt thả trúm và đánh dấu cho dễ nhớ. Từ đó, họ lại đi thêm khảng 6, 7km nữa, sát biên giới Campuchia mới thả hết số ống trúm. Theo họ một đỗi, bụng đói cồn cào, tôi xin phép quay lại quán cà phê ở khoảnh rừng cao su ấp Đông Lợi, kiếm gì bỏ bụng.
Tết nhất, quán cà phê có bán mì tôm chế nước sôi đã là may. Thấy tôi là người lạ, vài người trong quán dò hỏi. Tôi bảo đi theo mấy người thả trúm bắt lươn, bà chủ quán nhanh nhẩu nói, mấy ông đặt trúm ở dưới Thanh Điền thường qua đây. Một chị phụ nữ không biết Thanh Điền ở đâu, khi nghe tôi chỉ, chị chép miệng thở dài: Đi chi mà xa dữ vậy trời! Không biết bắt được nhiều lươn không, bán được bao nhiêu tiền mà cực vậy!
Trút trúm đổ lươn ra để bán.
Nghề cơ cực
Hơn 2 giờ sau, hai chú Yên và Hiếu cũng về tới quán. Uống vội ly cà phê, chúng tôi lại lên đường, quay về Kà Tum ăn tối.
7 giờ tối, chúng tôi đến một căn nhà nhỏ ở ấp Đông Thành xin ngủ nhờ. Thấy tôi có vẻ ngại ngùng, hai chú trấn an rằng đây là nơi hai chú thường xin ghé qua mỗi khi đi đánh lươn trên này. Nghe nói vậy tôi cũng có phần yên tâm. Ngủ trước thềm nhà, hai chú mới cho biết, mỗi lần đi săn lươn, các chú thường đi theo tốp, có thể 2 hoặc ba người đi chung. Cái nghề đặt trúm bắt lươn này tối ngày rong ruổi khắp nơi, từ Phước Vinh, Tân Đông, Dầu Tiếng, Bàu Đồn sang tận Đức Hoà (Long An), thậm chí có khi qua hai tỉnh Campuchia giáp biên là Svay Rieng và Kampong Cham nên khổ cực quen rồi. Trước đây, mỗi lần đi là bắt được khá nhiều lươn. Bây giờ, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, người ta lại dùng xung điện đánh bắt nên phải đi xa là vậy. Đi xa, có chỗ xin ngủ nhờ được còn đỡ, còn không thì mắc võng ngủ rừng hay tìm lán chợ nào ngủ tạm. Cơm nước thì gặp đâu ăn đó, còn chuyện tắm rửa thì một là ao hồ sông suối, hai là cứ để mai về hẵng hay.
Đi hơn 60km cũng chỉ được chưa đầy 5kg lươn.
Trước thềm nhà có cái giường bỏ không, cô chủ nhà cho mượn cái mền đắp tạm. Giường nhỏ chỉ đủ chỗ cho hai người, nếu không có tôi chắc đủ cho hai chú tìm được giấc ngủ ngon sau chuyến đi mệt nhọc. Vì tôi, nên chú Hiếu nhường chỗ, mắc võng ngủ ngoài trời. Càng về khuya, sương rơi nhiều, trời năm này chẳng hiểu sao lại lạnh như ngoài Bắc nên nửa đêm chú Hiếu phải ngồi dậy đốt lửa sưởi ấm.
Mới 5 giờ sáng, chúng tôi thức dậy bắt đầu đi thu ống trúm. Chú Yên khoe, chắc cũng được 5 kg. Giá lươn khoảng 150 ngàn/kg, số lươn này cũng kiếm được hơn 700 ngàn.
Lại chuẩn bị mồi, ống trúm cho chuyến đi kế tiếp.
Về tới cầu Mới, Thanh Điền cũng đã gần 11 giờ trưa. Đây là nơi các chú thường bán lươn mỗi khi đi về. Bà chủ vựa bảo, số lươn chỉ có 4,6 kg nên chỉ được 690 ngàn. Còn 2 con lươn khá to đã chết bị loại ra nhưng vẫn bị bà chủ vựa lấy luôn, nói là để bù cho những con lươn nhỏ. Tính ra, mỗi chú cũng được hơn 300 ngàn, trừ chi phí xăng xe, cơm nước dọc đường, tính ra mỗi người chẳng được là bao.
Về tới nhà, chú Yên lại tiếp tục giã mồi rồi cho vào ống trúm để còn kịp cho chuyến đi Dương Minh Châu chiều nay. Chú bảo, cứ sau một chuyến đi xa là một chuyến đi gần. Vợ chú ngồi bên nói thêm: “Mấy ổng làm nghề này cực lắm, đi thâu ngày thâu đêm, ăn uống tạm bợ, ngủ rừng ngủ bụi. Nhiều khi gặp trời mưa trúm lươn bị ngập nước, lươn chết đã đành, còn phải lặn lội mò tìm ống trúm. Có hôm nước lớn quá, phải bỏ đó đợi rút rồi mới đi tìm lại”.
Lúc từ giã, chú Yên còn dặn đi, dặn lại: “Khi nào chú điện, mày nhớ xuống ăn cháo lươn nghe!”.