1. Nguyên nhân tôm chết ở Ninh Bình
Phòng NN & PTNT huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết đã có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh xác định nguyên nhân tôm chết thời gian qua tại 3 xã Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung thuộc huyện Kim Sơn.
Kết quả cho thấy, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), ban đầu nguyên nhân tôm mắc bệnh là do thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao gây ra hiện tượng thiếu oxy khiến khả năng kháng bệnh của tôm giảm. Khi tôm bị yếu, các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi làm tôm mắc bệnh.
Theo thống kê , có tới hơn 685 ha trong tổng số 956 ha nuôi tôm của 1.053 hộ dân trên địa bàn 3 xã của huyện Kim Sơn có tôm bị chết do nhiễm khuẩn.
2. Khánh Hòa: Được giá tôm hùm
Giá tôm hùm loại 1 (trên 1kg/con) có giá 1,8 triệu đồng/kg; tôm loại 2 có giá 1,6 triệu đồng/kg; tôm loại 3 gần 1,5 triệu đồng/kg. Theo báo cáo của UBND xã Vạn Thạnh, hiện nay, trên địa bàn xã có 4.585 lồng nuôi trồng thủy sản, trong đó có 3.625 lồng nuôi tôm hùm.
3. Bà Rịa – Vũng Tàu: Phấn đấu 80% sản phẩm nuôi trồng thủy sản được quản lý theo mô hình VietGAP
Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh này là hơn 7.500ha. Trong đó, 2.215ha nuôi thủy sản nước ngọt và 5.286ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ, với chủng loài nuôi phong phú và đa dạng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá chẽm, cá lóc, cá rô phi đơn tính, baba...
Theo quy hoạch, đến năm 2020, 80% sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu được quản lý theo mô hình VietGAP, giảm dần diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh sang quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái, hướng đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm sử dụng các hóa chất kháng sinh cấm trong quá trình nuôi.
4. Hà Tĩnh: Hơn 220ha hồ tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này trên toàn tỉnh có hơn 220ha hồ tôm bị bệnh đốm trắng, xuất hiện rải rác tại 7 huyện thị.
Các địa phương có diện tích tôm bị bệnh đốm trắng lớn gồm: thị xã Kỳ Anh, các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… Nguyên nhân là do khi bước vào vụ nuôi, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông không qua xử lý. Trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như: tôm rảo, cua, còng... là các vật chủ trung gian mang mầm bệnh đốm trắng.
5. Bạc Liêu: Nhiều mặt hàng thủy, hải sản tăng giá mạnh
Cụ thể, giá tôm sú loại 15 con/kg giá 340.000 đồng, loại 25 - 30 con/kg giá 230.000 đồng, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 135.000 đồng, loại 80 con/kg giá 110.000 đồng, loại 120 con/kg giá 85.000 đồng, tăng trung bình từ 10.000 đến hơn 20.000 đồng/kg tùy theo loại; trong đó, tôm sú cỡ lớn và tôm thẻ sống (chạy oxy) tăng mạnh nhất.