Theo nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu những ngày qua tăng trở lại do sản lượng cá nuôi trong dân lẫn DN giảm. Hơn 3 tháng qua, để giải quyết tình trạng dư thừa cá nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều DN chế biến cá tra đã tăng công suất chế biến của các nhà máy để góp phần tiêu thụ hết lượng cá trên thị trường. Ngoài đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, củng cố thị trường truyền thống, thực hiện kích cầu trong tiêu thụ sản phẩm (bằng nhiều hình thức khác nhau), các DN đẩy mạnh sản xuất, đưa cá vào kho lạnh để trữ hàng, chuẩn bị đợt cao điểm bán hàng trong dịp Noel và Tết Dương lịch sắp tới.
“Theo tôi, giá cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu những tháng qua rớt xuống còn 19.500 đồng/kg, mức giá này đã chạm đáy. Một khi giá cá chạm đáy sẽ “bật lên” nhanh chóng, bởi mỗi vụ nuôi từ 6-8 tháng, trong khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường bắt đầu tăng trở lại. Thời điểm này đã gần cuối tháng 7, bắt đầu chuẩn bị bước vào cao điểm xuất hàng. Theo thông lệ hàng năm, đây là thời điểm các nhà nhập khẩu tiến hành xác nhận đơn hàng cho thời điểm cuối năm, vì vậy thị trường bắt đầu sôi động trở lại” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới thông tin.
“Năm nay, người nuôi cá tra bị thiệt hại kép. Một mặt vì giá thu mua cá tra nguyên liệu chế biến dưới giá thành sản xuất, mặt khác nông dân bị lỗ nặng do tình hình biến đổi khí hậu gia tăng, cá giống thả vào ao chết nhiều. Thời điểm thả giống, giá cá tra thịt ở mức 34.000 đồng/kg, vì vậy giá cá giống tăng đến 65.000 đồng/kg (đối với loại cá 30 con/kg). Vì vậy, khi giá nguyên liệu rớt xuống còn 19.500 đồng/kg, nông dân bị lỗ từ 4.000-5.000 đồng/kg” - ông Trần Văn Lãm (xã Đa Phước, An Phú) phân tích.
Giá cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu tại thị trường ĐBSCL tăng trở lại, ngoài sản lượng cá trong dân và DN giảm, một nguyên nhân khác giúp cải thiện tình hình, đó chính là thị trường xuất khẩu bắt đầu khởi sắc. Năm nay, ngoài những thị trường mang tính truyền thống như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), các thị trường Châu Á, Mexico… đang trở thành thị trường tiêu thụ mạnh cá tra của các DN Việt Nam. Nếu xếp theo sản lượng và kim ngạch, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Mexico xếp thứ 5, sau 4 thị trường nêu trên. Bốn tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Mexico đạt 40,8 triệu USD (tăng 31,5% so cùng kỳ năm 2018). Đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh và trong 10 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nếu năm 2018, sản lượng cá tra toàn vùng ĐBSCL thả nuôi đạt 1,42 triệu tấn (tăng 13,6% so với năm 2017), với 5.400ha nuôi cá tra thì bước sang năm 2019, sản lượng thả nuôi tiếp tục tăng lên, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu những tháng qua. Tại An Giang, tỉnh được mệnh danh là “thủ phủ” của con cá tra, đến nay đây vẫn là mặt hàng chủ lực của địa phương. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có chuyến đi thị sát tình hình sản xuất cá tra trong tỉnh, nơi ông chọn đi đầu tiên là Công ty Cổ phần Cá tra Việt-Úc An Giang. Tại đây, lãnh đạo công ty báo cáo về chương trình phát triển nuôi giống cá tra theo hướng an toàn sinh học. Chương trình này sẽ tạo ra con giống khỏe, giúp cải thiện tỷ lệ fillet đối với cá tra xuất khẩu, hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi thịt. Ngay tại chuyến thăm, ông Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Cá tra Việt-Úc An Giang sớm cho ra đời những mẻ cá giống đầu tiên, phục vụ quá trình nuôi thương phẩm của các đơn vị chế biến cá tra xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh Bình đã đi thăm các trại nuôi cá tra bố mẹ, thăm công nghệ sản xuất giống của Công ty Cổ phần Cá tra Việt-Úc An Giang và ông hy vọng, ngành cá tra Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng sẽ sớm vượt qua được khó khăn, vươn lên phát triển bền vững.
“Tỉnh đang thực hiện quy hoạch lại ngành hàng theo hướng nâng cao chất lượng con giống, khuyến khích những người tham gia ngành hàng thực hiện mô hình liên kết. Những địa phương không có lợi thế trong phát triển nuôi cá tra hay nằm ngoài quy hoạch được duyệt thì khuyến khích bà con không nên đào ao để nuôi, vì làm như thế sẽ phá vỡ quy hoạch, tạo ra sự “bất nhất” trong cung-cầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.